Kinh Hoa Yên Vân là một tác phẩm rất nổi tiếng của tác gia trứ danh Lâm Ngữ Đường. Tác phẩm này miêu tả cuộc sống của những nhà danh gia điển hình của thời kỳ triều đình Mãn Thanh suy vong, chuyển sang thời Bắc Bình, Dân Quốc.
GIỚI THIỆU
Kinh Hoa Yên Vân là một bộ tiểu thuyết dài được hợp thành từ nhiều tiểu thuyết ngắn nhưng không vì thế mà kết cấu nội dung bị phân tán, lan man. Ngược lại, đây là một tiểu thuyết dài có quy mô rất lớn, trong đó có những giai thoại, có triết học, có những diễn giải về lịch sử, lại cũng đề cập đến sự thay đổi về phong tục tập quán, có sự uyên thâm nhưng cũng có những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, thêm vào đó là những vui buồn giận tủi của các nhân vật. Nội dung truyện bao quát cả Trung Quốc thời kỳ quá độ, Kinh Hoa Yên Vân trở thành một cuốn tiểu thuyết vĩ đại bậc nhất của Trung Quốc hiện đại.
Những đóng góp về mặt thực tế của Kinh Hoa Yên Vân chính là giới thiệu về xã hội Trung Quốc với người nước ngoài. Đọc Kinh Hoa Yên Vân của Lâm Ngữ Đường, ta như đang được sống cùng với người Trung Quốc, cùng họ vui, cùng họ giận. Kinh Hoa Yên Vân có thể ví như một cuốn bách khoa về xã hội Trung Quốc, giới thiệu rất thành công về xã hội Trung Quốc và đã tạo được sức tuyên truyền khá lớn. Người đọc cũng có thể tìm thấy những sự thực từng xảy ra trong thực tế. Những đóng góp về mặt thực tế của tiểu thuyết cũng là một điều tiêu cực, nhưng về mặt văn học thì nó mang lại những giá trị rất tích cực. Ưu điểm lớn nhất của tác phẩm không phải là sự miêu tả sinh động tính cách nhân vật, hay cảnh vật tươi đẹp như đang hiện ra trước mắt, cũng không phải là miêu tả tâm lý nhân vật tài tình, mà là ở ý nghĩa triết học. Lật mở trang sách, đầu tiên là cảm thấy như đang phải chạy trốn, bôn ba. Sau đó lại là một không gian tĩnh lặng tuyệt diệu, lặng lẽ chảy như dòng suối êm đềm. Đôi khi cũng cảm thấy bi ai, rồi cuối cùng là mây đen che kín bầu trời, chỉ đến khi nổ ra một trận sấm chớp long trời thì mặt đất mới yên bình trở lại. Dư vị đọng lại cho độc giả, đó là sự lĩnh ngộ sâu sắc: Nhân sinh là gì? Mộng ước là gì?. Hoặc cũng có thể nói, “Phù sinh nhược mộng”, cuộc đời chỉ như một giấc mộng thoảng qua, đó chính là kim chỉ nam của cuốn sách này. Khi tác phẩm cho người đọc ấn tượng như là một giấc mộng lớn thì cũng là lúc nó trở thành một tiểu thuyết vĩ đại, xứng đáng đại diện cho cuộc sống nhân sinh chứ không còn chỉ bó hẹp trong đời sống và số phận của một vài hộ dân Bắc Kinh đầu thế kỷ 20. Bao quát được cả nhân sinh vô bờ bến, chính là sự vĩ đại của tiểu thuyết.
Kinh Hoa Yên Vân là tiểu thuyết dài được Lâm Ngữ Đường viết bằng tiếng Anh từ khoảng tháng 8 năm 1938 đến tháng 8 năm 1939 tại Paris với lời đề tặng dành cho “Chiến binh Trung Quốc anh dũng”. Tên tiếng anh của tiểu thuyết này là Moment in Peking, Kinh Hoa Yên Vân được đặt khi Lâm Ngữ Đường chuyển dịch về Trung văn, cũng có bản dịch lấy tên sách là Phút chốc Kinh Hoa. Vốn dĩ Lâm Ngữ Đường muốn dịch tác phẩm Hồng Lâu Mộng sang tiếng anh để giới thiệu với độc giả phương tây, nhưng cuối cùng ông quyết định dựa theo cấu tứ của Hồng Lâu Mộng để viết một bộ tiểu thuyết dài khác, vì thế Kinh Hoa Yên Vân được ra đời.
Kinh Hoa Yên Vân kể về những buồn vui li hợp, oán hận tình thù của ba gia tộc lớn Tăng, Diêu, Ngưu trải dài trong hơn 30 năm bắt đầu từ cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn năm 1901 đến thời kỳ kháng Nhật. Đồng thời cũng khắc họa toàn cảnh diện mạo lịch sử của xã hội Trung Quốc hiện đại thông qua các sự kiện, nhân vật lịch sử như Viên Thế Khải cướp nước, Trương Huân khôi phục ngai vàng, đại chiến Trực Phụng, quân phiệt chiếm cứ, vận động 5-4, thảm sát 318, chiến bút giữa “phái Ngũ Ti” và “phái bình luận hiện đại”, tư tưởng “hữu khuynh”, thế chiến thứ 2….
“Kinh Hoa Yên Vân” sau khi được xuất bản vào cuối năm 1939 tại Mỹ, chỉ trong gần 1 nửa năm đã tiêu thụ được hơn 5 vạn bản, Tuần san “Thời đại” của Mỹ đã đánh giá “Rất có khả năng sẽ trở thành tác phẩm kinh điển về xã hội hiện thực của Trung Quốc hiện đại”.
Các tuyến nhân vật trong tiểu thuyết gần như có thể đại diện cho các nhân vật của xã hội Trung Quốc hiện đại. Qua truyện này có thể nhận ra những người của thế hệ cũ dần dần mất đi, người của thế hệ mới dần xuất hiện. Vợ chồng họ Ngưu, ông Tăng chính là những đại diện của thế hệ cũ nhất, còn Hoàn Nhi, Trương Tam, Đại Vân chính là những người của thế hệ mới.
Kinh Hoa Yên Vân là một tiểu thuyết có thể đọc vào bất cứ khi nào chứ không nhất định là lúc rảnh rỗi mới đọc, nhưng thích hợp nhất là đọc một mình lúc đêm khuya thanh vắng; Khi đã mỏi mắt buồn ngủ, nhấp một ngụm trà xanh tự hỏi: “Nhân sinh hỡi nhân sinh, ta phải chăng cũng chỉ là một anh hề trong đó thôi phải không?”