Tác giả: Lâm Ngữ Đường
Dịch: 2zhaowei
第一章 :后花园富翁埋珠宝北京城百姓避兵灾
Chương 1:
Trong vườn sau, bá hộ chôn châu báu.
Thành Bắc Kinh, bá tánh đi lánh nạn binh đao.
[Tiểu Thuyết] KINH HOA YÊN VÂN: Chương 1
Năm Quang Tự thứ hai mươi sáu, vào một sáng sớm ngày hai mươi tháng bảy, tại cửa Tây của con ngõ Mã Đại Nhân phía đông thành Bắc Kinh, một hàng những cỗ xe la kéo xếp hàng dài, trong đó mấy cỗ xe thậm chí còn lần lượt xếp hàng suốt con ngõ đó đến tận bức tường màu đỏ của ngôi chùa Đại Phật Tự. Cánh phu xe la này đều là những người quen dậy sớm nên trời vừa mới tang tảng thì họ đã đến cả rồi. Sáng sớm tinh mơ họ đã hò hét gọi nhau ở đầu ngõ. Đó cũng là những cảnh thường thấy của cánh phu xe này vậy.
Khoảng 50 tuổi trở lại, La Đại là quản gia của gia đình đó, ông đã thuê được mấy chiếc xe la kéo, đó là để chuẩn bị cho gia đình một chuyến đi xa. Miệng ngậm một chiếc tẩu thuốc, ông nhìn cánh phu xe cho gia súc ăn, họ vừa làm vừa cười đùa huyên náo, họ đem chuyện những con gia súc rồi cả tổ tiên của chúng ra để nói đùa. Đến lúc hết chuyện để nói, họ lấy chính cả họ ra để giễu. Một anh phu xe lừa nói: “Vào cái thời buổi này, chả biết chuyến này đi rồi thì sống hay chết mà về nữa đây?”.
La Đại đáp ngay: “Đánh chuyến xe này, các anh kiếm được cả mớ tiền. Cầm trăm bạc trong tay, mua được cả miếng đất chứ ít đâu”. Anh phu xe đó cũng trả lời ngay: “Người chết rồi, bạc có đấy nhưng dùng thế nào được? Hừ, mấy viên đạn của các anh súng tây đâu có nói chuyện tình nghĩa bao giờ, một viên xuyên qua cái đầu này là nằm còng queo trên đất, thành một cái xác chết rồi. Này này nhìn cái bụng con la này xem, tảng thịt này liệu có đỡ nổi đạn không nào? Nhưng mà khốn nỗi chả làm thế nào được, dẫu sao thì vẫn phải thò đầu ra ngoài kiếm bát cơm mà đổ vào miệng.” Một anh phu xe khác cũng xen nào góp chuyện: “Cũng khó nói. Chả đến lúc quân tây dương nó tràn vào, ở Bắc Kinh cũng khó mà sống được nữa. Cứ như tôi á, lúc ấy chả mong sao trốn khỏi đây cho nhanh”.
Mặt trời đã hừng lên phía đằng đông, ánh nắng chiếu thẳng vào cổng tòa nhà, chiếu lên những chiếc lá của cây ngô đồng cổ thụ làm cho những hạt sương còn đọng trên lá ánh lên như những hạt trân châu. Tòa nhà này chính là nơi ở của họ Diêu. Cổng chính của tòa nhà không có vẻ khí thế nguy nga, nó chỉ là một cái cửa nhỏ sơn đen, chính giữa cửa có một vòng tròn sơn đỏ, bóng rợp của cây ngô đồng xòa ra trùm cả phía trước của cánh cổng nhỏ. Một anh phu xe ngồi yên vị trên một tảng đá dày hình vuông được chôn xuống đất. Ánh nắng ban mai tuy là khiến người ta cảm thấy thật trong lành dễ chịu nhưng xem ra đây sẽ lại là một ngày trời quang nắng gắt. Dưới gốc cây có một cái cóng trà không lớn cũng không nhỏ, trong đó để nước trà cho khách qua đường giải khát trong những ngày hè nóng bức, nhưng mà lúc này thì trong bình không có nước. Nhìn thấy cái bình trà, một anh phu xe buột miệng nói: “Chủ nhân của các vị đúng là người đại nhân đức”.
La Đại đáp lại: “Trên đời này không còn ai tốt hơn công chủ của chúng tôi nữa đâu”. La Đại lại chỉ tay vào một tờ giấy đỏ dán ở bên cổng, nhưng cánh phu xe không biết trên đó viết gì, La Đại bèn giải thích: “Trên đó viết là biếu tặng thuốc đặc trị bệnh tả, sởi và kiết lỵ”.
Anh phu xe kia bỗng nhiên đứng phắt dậy: “Chả phải quá tốt sao. Tốt nhất là bác lấy cho chúng tôi một ít, có thế trên đường đi cũng an tâm hơn”.
La Đại nói: “Các anh đi cùng đường với ông chủ nhà chúng tôi, còn cần phải lo thuốc men gì sao? Người nhà ông mang theo đầy đủ, đưa các anh cầm thì chả cũng thế cả sao?”
Đám phu xe vốn muốn dò la tình hình của gia đình làm việc thiện nghĩa đó, nhưng La Đại chỉ nói cho họ biết rằng chủ nhân của nhà này là ông chủ của một cửa hàng bán thuốc bắc.
Không mấy lâu sau, ông chủ Diêu Tư An đi ra để xem mọi thứ đã tề chỉnh hay chưa. Ông trạc độ tứ tuần, dáng người nhỏ nhưng rắn chắc, đôi lông mày đen và dày tách hẳn ra hai bên. Ông không để râu, mái tóc đen nhánh. Dáng đi thể hiện ông là một người điềm tĩnh, bước đi ung dung vững vàng, người luôn giữ thẳng, rõ ràng là kiểu dáng của một người có võ công thâm hậu. Giả như trong lúc không chú ý, có người đánh úp từ phía trước, phía sau hay bên phải hoặc bên trái thì ông đều có thể ung dung phản ứng được ngay tức khắc. Một chân bước lên phía trước, vững như đóng đinh, chân sau bước tiếp, hơi cong và hướng ra phía ngoài, đó chính là một tư thế tự vệ hoàn chỉnh, đứng vững như bàn thạch, tuyệt đối không chút sơ hở. Ông lên tiếng hỏi thăm cánh phu xe, rồi nhìn thấy cóng nước chè trống không, ông liền dặn dò La Đại rằng sau khi ông đi khỏi thì đều phải giống như các ngày bình thường, trà trong cóng không lúc nào được để cạn.
Đám phu xe không ai bảo ai cùng đồng thanh nói: “Lão gia thật là người nhân đức”
Ông quay gót vào nhà thì sau đó có một thiếu phụ xinh đẹp bước ra, đôi gót sen xinh xắn, dáng người nhỏ nhắn dịu dàng, mái tóc đen óng mượt được búi sơ sơ, cô mặc chiếc áo choàng ngắn màu hồng đào, ống tay khá rộng, được viền ngoài bằng gấm màu xanh lục rộng chừng 3 tấc. Cô đến nói chuyện với đám phu xe một cách khá nền nã và tự nhiên, không hề có chút nào rụt rè như phần lớn phụ nữ có chồng khác. Cô hỏi xem các anh phu xe đã cho những con la ăn no chưa rồi sau đó đi vào trong nhà không thấy bóng dáng đâu nữa.
Một anh phu xe trẻ tuổi tán tụng: “Lão gia nhà bác thật là tốt phúc! Đúng là ở hiền gặp lành. Anh xem, cô vợ lẽ đó xinh đẹp biết bao!”
La Đại mắng lại ngay: “Cẩn thận cụt lưỡi đấy! Lão gia nhà chúng tôi chưa bao giờ có vợ lẽ. Vị cô nương đó là con nuôi của lão gia đấy, cô ấy bị góa chồng”.
Anh chàng phu xe trẻ tuổi đó cười đùa tí tửng rồi tự bạt tai mình một cái, những anh phu xe khác được phen cười nghiêng ngả.
Không lâu sau, một tên đầy tớ với mấy đứa a hoàn bước ra, tuổi từ mười hai mười ba đến mười tám mười chín tuổi, ôm theo chăn đệm, bao gói, bình lọ đi ra. Đám phu xe chỉ đứng ngây ra nhìn, cũng không dám mở miệng nói năng bình phẩm lung tung nữa. Sau cùng là một cậu con trai khoảng chừng mười ba tuổi cũng theo ra. La Đại nói cho cánh phu xe biết đó là Tiểu thiếu gia của nhà họ Diêu.
Cứ thế nhộn nhịp ầm ĩ suốt hơn nửa tiếng đồng hồ, đến lúc đó thì toàn thể gia thuộc của chuyến viễn hành đó mới đi ra.
Người thiếu phụ xinh đẹp khi này đứng ngay ở giữa, dắt theo hai cô bé. Hai bé gái này đều ăn mặc rất giản dị, áo choàng ngắn bằng vải dệt máy màu trắng, một cô mặc quần màu xanh lục, một cô thì mặc quần màu tím. Thiên kim tiểu thư nhà giàu khác hẳn với đám a hoàn, chỉ cần nhìn thái độ có ung dung tao nhã hay không là có thể phân biệt được ngay. Bây giờ nhìn hai bé gái đang được dắt trong tay thiếu phụ đó thì xét trên tiêu chí kia, cánh phu xe hiểu ngay rằng hai bé gái đó chính là hai vị thiên kim tiểu thư. Chính thế mà cái anh chàng phu xe trẻ tuổi lúc trước vội bước lên phía trước nói ngay: “Tiểu thư, xin mời lên xe của tôi đi, la của họ không khỏe đâu”.
Đại tiểu thư Mộc Lan nghĩ ngợi rồi len lén so sánh một lúc. Con la ở chiếc xe kia thì hơi nhỏ và gầy, nhưng mà người phu xe thì trông có vẻ khá hiền lành; Còn cái anh phu xe trẻ tuổi thì trên đầu lại có cái nhọt đang lở loét. Kỳ thực khi Mộc Lan chọn xe, không phải là chọn con la tốt hay không mà người phu xe mới là điều tiên quyết.
Trong đời người,có một số chuyện nhỏ, bản thân nó không hề có chút ý nghĩa nào đáng để nói, nhưng thực sự nó lại có tầm quan trọng vô cùng. Việc qua rồi, ngồi suy xét quan hệ nhân quả của nó mới phát hiện ra sức ảnh hưởng của nó lớn thế nào, làm cho người ta kinh hãi đến mức nào. Ví như anh phu xe trẻ tuổi đó mà không có cái nhọt lở loét trên đầu, hoặc như Mộc Lan không ngồi chiếc xe có con la nhỏ thì sự việc xảy ra có lẽ đã khác, mà cả cuộc đời của cô cũng đã khác rồi.
Trong lúc mọi người còn đang lộn xộn đó, Mộc Lan nghe thấy tiếng mẹ cô trách mắng a hoàn Ngân Bình, lúc đó Ngân Bình đang ngồi trong một chiếc xe khác, rằng Ngân Bình thoa son phấn quá đậm, quần áo thì lại quá sặc sỡ. Trước mặt mọi người, Ngân Bình tự nhiên thấy mình quá khó coi. Thanh Hà là một a hoàn 19 tuổi, đỡ Thái Thái lên xe xong, cô khẽ lén mỉm cười, nghe lời dạy của chủ nhân rằng chuyến đi như thế này không được trang điểm ăn mặc lộng lẫy.
Thoáng nhìn thì ai cũng đều có thể nhận ra vị thái thái này là chủ của gia đình, độ tuổi khoảng ngoài 30, vai rộng, khuôn mặt vuông vắn, nhìn có vẻ khá khỏe mạnh, tiếng nói rõ ràng lanh lảnh như thể đang ra quân lệnh vậy.
Khi rất cả mọi người lên xe đâu đấy chuẩn bị xuất phát thì một a hoàn chỉ chừng 11 tuổi, tên nó là Nhũ Hương đứng khóc lóc ở ngay cửa chính. Đó là vì mọi người đi cả, chỉ để nó với ông La ở lại trông nhà, nó tủi thân mà khóc.
Cha của Mộc Lan quay sang nói với vợ: “Thôi cho nó cùng đi, ít nhất thì nó cũng hầu hạ cho bà, nước nôi điếu đóm”.
Thế là trong giờ khắc sau cùng đó, Nhũ Hương được leo lên xe với đám a hoàn. Xem chừng mọi người đều yên vị cả rồi, Diêu Thái Thái quát bọn a hoàn phải hạ rèm trúc trước xe xuống, không thì suốt ngày cứ thò đầu ra ngoài ngó nghiêng.
Tổng cộng có 5 cỗ xe, trong đó một cỗ là do một con ngựa nhỏ kéo. Phùng Cữu Gia và một cậu bé dẫn đầu đoàn, tiếp sau là xe của Thái Thái và a hoàn Thanh Hà, Thanh Hà ôm trong lòng một đứa bé chừng hai tuổi. Cỗ xe thứ 3 có Mộc Lan và em gái Mạc Sầu, ngoài ra còn có người con gái nuôi tên San Hô. 3 a hoàn khác là Ngân Bình, Cẩm Nhi, 14 tuổi và còn cả cô bé Nhũ Hương cùng ngồi chiếc xe thứ 4. Một mình Diêu lão gia ngồi chiếc xe sau cùng, con trai ông là cậu Thể Nhân vì trốn không ngồi cùng xe với cha nên đã lên ngồi cùng ông cậu ở chiếc xe đi đầu. Ngồi phía trước xe của Diêu lão gia còn có anh đầy tớ La Đông, anh em ruột với La Đại, anh này ngồi vắt trên xe, một chân duỗi thẳng trên càng xe, còn chân kia thì buông thõng xuống dưới.
Hướng về đám người đứng tiễn họ ở trước cổng, Diêu Thái Thái dõng dạc nói to rằng họ đi Tây Đơn thăm bà con, vài hôm nữa sẽ trở về, nhưng kỳ thực thì đoàn xe hướng về phương Nam mà đi. Bất kể họ đi về hướng nào, người đi đường cũng đều nhìn thấy rõ rằng họ đang đi lánh nạn, sợ Nghĩa Hòa Đoàn và liên quân tám nước sẽ tràn vào thành Bắc Kinh.
Trong tiếng roi ra và tiếng thúc ngựa, đoàn xe nối đuôi nhau xuất phát. Đám trẻ con đều rất phấn khởi, đó là vì đây là lần đầu tiên chúng được về quê ở Hàng Châu, trước đó chỉ là được nghe cha nhắc về Hàng Châu, nhưng lần này thì là được về thật rồi.
Mộc Lan rất ngưỡng mộ cha mình, cha nhất định phản đối việc rời Bắc Kinh đi lánh nạn, lần lữa mãi đến tận ngày mười tám tháng bảy. Sau cùng thì cha quyết định về quê hương Hàng Châu để lánh nạn, vẫn vẻ bình tĩnh khác thường, ung dung chuẩn bị, đối với những thay đổi bên ngoài, ông vẫn cứ thản nhiên như không. Đó là bởi vì cha của Mộc Lan nhiều năm nghiền ngẫm chủ nghĩa Lão Tử và Trang Tử, có thể coi là một đạo gia xuất sắc nên từ trước tới nay chưa từng thấy ông nổi nóng hay thấp thỏm lo âu.
Mộc Lan từng nghe cha nói: “sự lo âu và nổi nóng rất có hại cho tinh thần”. Cha còn có thêm một lý do nữa là: “Giữ cho mình luôn ngay thẳng thì tà độc bên ngoài không thể xâm hại đến mình được”. Trong cuộc sống sau này của Mộc Lan, rất nhiều lúc cô đã nghĩ tới câu nói này của cha, đạo lý rốt cuộc lại trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời cô, cô đã tìm được trong đó niềm vui và cả dũng khí. Một thế giới mà cái đại gian đại ác không thể xâm nhập thì thế giới đó tự nhiên sẽ trở nên tươi đẹp và giúp con người cảm thấy lạc quan cố gắng hơn. Con người sống trong một thế giới như thế sẽ có dũng khí để phấn đấu, cũng có thể chịu đựng nhiều hơn.
Bắt đầu từ tháng năm, không khí chiến tranh đã bao trùm khắp nơi, liên quân tám nước đã đánh chiếm pháo đài miền duyên hải. Nghĩa Hoà Đoàn cũng đã phá huỷ đường tàu hoả nối liền với Bắc Kinh. Lúc bấy giờ thế lực của Nghĩa Hoà Đoàn ngày một mạnh hơn, từng bước chiếm được lòng người, thu nạp thành viên ở khắp các thôn quê, khí thế thật không thể xem thường.
Rốt cục thì có tránh khai chiến với người Tây không? Hay là lợi dụng Nghĩa Hoà Đoàn vốn tự cho rằng có phép thuật thần tiên để chống lại đạn của người tây luôn tung hô “Phù Thanh, diệt Dương”? Từ Hy thái hậu phân vân không quyết. Có một lần triều đình Mãn Thanh hạ lệnh bắt tên thủ lĩnh của Nghĩa Hoà Đoàn, nhưng ngay hôm sau lại phong cho Đoan Vương, vốn vâng mệnh bảo vệ Nghĩa Hoà Đoàn, chức quan ngoại giao đại thần chuyên xử lý việc của người Tây.
Âm mưu của triều hình, quyết định lật đổ thế áp đảo của Nghĩa Hoà Đoàn có ảnh hưởng rất lớn. Từ Hy thái hậu đã tước bỏ hết thực quyền của của hoàng đế Quang Tự, hơn thế còn đang tính phế bỏ ngôi hoàng đế của Quang Tự. Bà vốn thích đứa con trai không nên thân của Đoan Vương, có ý lập nó thừa kế ngôi hoàng đế. Đoan Vương định bụng nhân cơ hội khai chiến với nước ngoài để tăng thêm quyền lực cho ông ta, lại cũng nhân đó mà làm hậu thuẫn để con ông ta được kế ngôi vua, chính thế mà ông xúi giục Từ Hi thái hậu tin vào cái pháp thuật có thể chống lại súng đạn của người Tây của Nghĩa Hoà Đoàn. Ngoài ra, Nghĩa Hoà Đoàn đã từng tuyên bố là sẽ bắt được bọn “Nhất Long Nhị Hổ” để mà tế thiên, bắt chúng đền tội bán nước. Long ở đây đương nhiên là ám chỉ phong trào “Bách nhật duy tân” của hoàng đế Quang Tự vào hai năm trước khiến cho cánh vương công đại thần phe bảo thủ một phen khiếp vía. Còn Nhị Hổ là để chỉ Khánh Vương và Lý Hồng Chương đã nhiều năm phụ trách việc ngoại giao với người Tây.
Đoan Vương làm giả một bức chiếu thư liên hợp của các đoàn ngoại giao đóng tại Bắc Kinh, yêu cầu trao trả lại quyền chính cho hoàng đế Quang Tự, chỉ thế thôi là làm cho bà lão đó tin rằng sứ giả nước ngoài phản đối kế hoạch phế ngôi hoàng đế Quang Tự của bà, thế là bà quyết định lên chung thuyền với Nghĩa Hoà Đoàn, sống chết cùng nhau. Cũng chính lẽ đó mà khẩu hiểu “trục xuất người tây” của Nghĩa Hoà Đoàn đã trở thành bí quyết đắc thế của họ. Trong chiều có mấy vị quan đại thần có tư tưởng tiến bộ phản đối chủ chương đốt phá sứ quán các nước vì đó là vi phạm vào quy định ngoại giao, nhưng những người đó đều đã bị Đoan Vương giết hại. Đại thần Quốc Tử Giám cũng vì thế mà mổ bụng tự sát
Nghĩa Hoà Đoàn thực tế là ở ngay tại Bắc Kinh. Triều đình cử một vị võ quan đi trấn áp Nghĩa Hoà Đoàn nhưng đã rơi vào bẫy mai phục của Nghĩa Hoà Đoàn mà bị giết hại, đám bại bình đều đầu hàng Nghĩa Hoà Đoàn cả. Nghĩa Hoà Đoàn được lòng dân, dương dương đắc ý, tưởng chừng như chúng chiếm cả thành Bắc Kinh, giết người Tây, giết giáo dân, đốt giáo đường. Đoàn đặc phái viên nước ngoài kháng nghị, quan đại thần trong triều quyết định phái người đi “điều tra” tình hình của Nghĩa Hoà Đoàn. Kết quả báo về nói Nghĩa Hoà Đoàn rằng “Vâng lệnh trời cao, trục xuất người Tây, rửa sạch quốc nhục”. Thế là thay vì áp chế, triều đình lại âm thầm cho hàng vạn quân Nghĩa Hoà Đoàn tiến vào thành Bắc Kinh.
Một khi đã vào được thành, dưới sự che chở âm thầm của Từ Hi Thái Hậu và Đoan Vương, Nghĩa Hoà Đoàn hành hung tàn ác khiến cho ai ai cũng đều khiếp vía, cả thành Bắc Kinh hoảng loạn kinh hoàng. Nghĩa Hoà Đoàn truy lùng khắp nơi nơi, tìm kiếm “Đại mao tử”, “Nhị Mao Tử” và “Tam mao tử” để mà đem ra giết hại cả. “Đại mao tử” là chỉ người Tây, “Nhị mao tử” và “Tam mao tử” là chỉ những người theo đạo thiên chúa, làm việc cho các cửa hàng Tây và thậm chí là cả những người Trung Quốc nói tiếng anh. Quân Nghĩa Hoà Đoàn đi khắp nơi đốt phá các giáo đường, nhà kiểu Tây, phá huỷ gương Tây, ô dù, đồng hồ, tranh hoạ, bất cứ thứ dì của người Tây đều bị đem phá huỷ sạch. Phương pháp để chứng minh một người Trung Quốc liệu có phải là “Nhị mao tử” của Nghĩa Hoà Đoàn rất đơn giản: họ bắt người đang bị tình nghi đó quỳ trước bàn thờ mà Nghĩa Hoà Đoàn lập ra trên phố, hướng về phía vị thần của họ mà đốt một tờ giấy tiền vàng bạc, người có tội hay không có tội sẽ được căn cứ vào tàn giấy bay lên hay bay xuống mà định đoạt. Bàn thờ của Nghĩa Hoà đoàn được lập ra trên phố lớn, hướng về phía mặt trời lặn. Người muốn thể hiện lòng tin với Nghĩa Hoà Đoàn thì phải dâng hương, còn những người của Nghĩa Hoà Đoàn thì đánh quyền bái lạy Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không. Con khỉ tinh không Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết đó chính là thần linh mà Nghĩa Hoà Đoàn thờ cúng. Cũng chính vì những làn khói hương phảng phất khắp đường phố, mùi hương nhang xộc vào mũi mà người hầu nô bộc trong các gia đình giàu có đều gia nhập Nghĩa Hoà Đoàn, rồi họ mượn thế của Nghĩa Hoà Đoàn mà uy hiếp cả chủ.
Diêu đại gia là một người học rộng hiểu sâu, ông đồng tình với chủ trương cải cách chính trị của hoàng đế Quang Tự. Ông cho rằng những hành động của Nghĩa Hoà Đoàn là ngu xuẩn và dốt nát, nguy hiểm mà gây hại, không hơn gì trò nghịch dại của đám trẻ con, tuy vậy những cách nghĩ như thế thì chỉ có thể để trong thâm tâm mà thôi. Ông cũng có cách nghĩ của riêng mình về việc “phản Tây”, với ông, giáo đường chính là biểu hiện của tôn giáo phương tây và nó được bảo hộ bằng những ưu việt về vũ lực của các nước phương Tây. Trong đầu ông hiểu rõ điều đó và ông không hùa theo những hành động xằng bậy dốt nát của Nghĩa Hoà Đoàn. Trước xu thế phản chủ đó, tôi tớ trong nhà ông là anh em La Đại và La Đông lo mà tránh xa, họ hiểu sâu sắc rằng gặp được người chủ như Diêu Lão Gia đúng là may mắn lớn.
Chiến tranh loạn lạc đã nổ ra tại Bắc Kinh. Viên công sứ người Đức tên là Khắc Lâm Đức (Klemens von Ketterler) khi đang đi trên phố đã bị Cam Quân (1) của Đổng Phúc Tường sát hại. Khu vực Đại Sứ Quán bị bao vây, quân đội của người Tây cố thủ tự vệ trong suốt hai tháng để đợi liên quân từ Thiên Tân đến cứu viện. Vinh Lộc, một sủng thần của Từ Hi Thái Hậu được giao lệnh thống lĩnh Cẩm Vệ Quân đi đánh phá khu Đại Sứ Quán. Nhưng trong lòng Vinh Lộc lại có ý không tán thành, ông ngầm báo trước cho các sứ quán để họ sớm phòng vệ. Nhà dân xung quanh khu vực Đại Sứ Quán đều bị san thành bình địa, các khu phố phía Nam thành Bắc Kinh đều bị thiêu huỷ. Thành Bắc Kinh tuy nói là nằm trong tay triều đình, nhưng thực ra là bị khống chế bởi bọn quyền đồ (2). Thậm chí người người nhà nhà đến cả những anh phu gánh nước, phu gánh phân, nếu như không dùng cái khăn trùm đầu màu đỏ và vàng của họ thì cũng đừng có dám ra đường mà đi gánh nước hay gánh phân gì cả.
Trong suốt thời kỳ đó, Diêu Đại Gia trước sau gì cũng nhất định không chuyển nhà lánh nạn. Điều ông mà đồng ý làm chỉ là mang cái gương và cái ống nhòm có thể đưa ra kéo vào của người Tây mà ông đã mua chỉ vì hiếu kỳ ra đập bỏ mà thôi. Trụ trạch nhà ông cách khu bị tàn phá khá xa. Vợ ông khuyên đi lánh nạn, đỡ đi cái hoạ sát hại cướp bóc nhưng ông thì cứ nhắm mắt bịt tai, nghĩ đến thôi ông cũng không chịu. Ngoài thành Bắc Kinh, khắp các làng xã xung quanh ngoài đều là quân lính. Diêu Đại Gia cho rằng “nhất động không bằng nhất tĩnh”. Ông tin là mưu sự tại người, thành sự tại trời, cứ việc phó thác số trời, nhẫn nại chịu đựng.
Thái độ bình thản hờ hững đó của Diêu Lão Gia khiến cho Diêu Thái Thái rất nóng lòng. Diêu Thái Thái trách ông cố ý sống chết ở đây với vườn hoa và đống cổ vật, thư tịch mà ông đã cố công sưu tập. Nhưng liên quân đã sắp tiến vào thành Bắc Kinh, thật đúng là sợ hãi nạn cướp bóc đốt phá sẽ xảy ra. Diêu Thái Thái nói với chồng rằng: “Cho dù ông không để tâm đến mạng sống của ông, ông cũng phải nghĩ cho các con chứ”.
Câu nói đó thực sự có sức mạnh làm lay chuyển ý chí của ông, thế nhưng ông lại vẫn nói: “Bà có chắclà trên đường liệu có bình an vô sự cả không?
Chiều ngày mười tám tháng bảy, họ quyết định ra đi. Diêu Lão Gia nghĩ, nếu như họ thuê được xe la sẽ đi về phương Nam, trước tiên là đến Đức Châu ở Sơn Đông, đi được cách Bắc Kinh khoảng tám, chín mươi dặm có là thể bình an vô sự rồi. Quan tuần phủ mới nhậm chức ở Sơn Đông đã dùng vũ lực đánh đuổi hết bọn quyền đồ Nghĩa Hòa Đoàn ra khỏi địa phận của ông, vì thế mà ông có thể vỗ yên dân chúng trong toàn tỉnh Sơn Đông. Quyền đồ vốn khởi nguồn từ Sơn Đông, cũng vì thế mà những hành vi “quyền đồ” đó đều xảy ra tại Sơn Đông, trong số đó có một sự kiện khiến cho sau này triều đình phải đem Thanh Đảo nhượng cho nước Đức, quan tuần phủ tỉnh Sơn Đông là Dục Hiền thì bị cách chức.
Quan tuần phủ mới nhậm chức Viên Thế Khải một hôm đã gọi một tên thủ lĩnh của Nghĩa Hòa Đoàn vào nha môn, muốn thử xem đạo pháp của hắn cao siêu thế nào. Ông bắt 10 tên quyền đồ xếp thành hàng một, đối mặt với một đội lính được trang bị súng trường. Lệnh vừa hạ xuống, đội lính nổ súng, nói ra thật kỳ lạ, 10 tên quyền phỉ đó chẳng mảy may bị thương, nhưng thực tế thì vì trong súng không có đạn. Tên thủ lĩnh dương dương tự đắc, vênh vênh váo váo, ngông cuồng hét to: “Ngài xem…!” Vừa nói đến đó thì cùng lúc, tuần phủ đại nhân rút cây súng ngắn của mình ra, chĩa vào mười tên quyền phỉ lần lượt bắn chết từng tên một. Như thế là thanh trừng được bọn quyền phỉ ở Sơn Đông. Không lâu sau, bọn quyền đồ đều dần dần chuồn hết sang tỉnh Trực Lệ.
Vượt qua Thiên Tân để đi lánh nạn là một việc không thể, bởi vì nếu Bắc Kinh là một bãi chữa lưới thì Thiên Tân chính là địa ngục trần gian, hơn nữa đường đi sẽ phải xuyên qua chiến trường. Những nạn dân từ Thiên Tân chạy về Bắc Kinh nói rằng giao thông đường sông Vận Lương bị tắc nghẽn đến cả dặm dài, chèo thuyền cả ngày mới đi được nửa dặm đường. Vì thế mà nhà họ Diêu trước tiên sẽ đi đường bộ đến Đức Châu nằm ở biên giới tỉnh Sơn Đông, sau đó mới chuyển xuống đi thuyền theo sông Vận Lương. Cũng bởi vì ngoài cổng Vĩnh Định thành Bắc Kinh có rất nhiều bọn côn đồ nên họ phải chọn đường qua Lư Câu Kiều, đến Trác Châu, rồi sau đó mới vòng lại để đi về hướng Đông Nam.
Từ Đức Châu đến sông Vận Lương, lại đến Thượng Hải Hàng Châu thì mới được bình an vô sự, bởi vì các quan lớn của triều đình Mãn Thanh ở tất cả các tỉnh phía Đông Nam đều đã kí hiệp định với ngoại giao đoàn các nước phương Tây cam kết đảm bảo trật tự ở địa phương cũng như sinh mạng và tài sản của kiều dân nước ngoài, chính thế mà loạn quyền phỉ chỉ xảy ra ở phương Bắc mà thôi.
Trước đó mấy hôm, Diêu Thái Thái hỏi Diêu Lão Gia: “Chừng nào thì chúng ta khởi hành?”. Diêu lão gia cười đáp: “Ngày kia. Cần phải thuê được xe la. Cũng phải ít nhiều sắp xếp chút đồ dùng mang theo nữa”.
Cuối cùng Diêu Thái Thái cũng thuyết phục được chống mình nhưng bà lại cũng phát sầu lên vì chuyện sắp xếp đồ đạc. Không nén được lòng, bà than thở: “Trong một ngày làm sao mà tôi sắp xếp đồ đạc cho xong được? Bao nhiêu là rương, thảm, váy áo da, châu ngọc…lại còn đồ cổ của ông nữa”.
Diêu đại gia thản nhiên trả lời: “Không phải lo đồ cổ của tôi. Nhà cửa cứ để nguyên như thế. Không cần thu dọn đồ đạc mang đi. Chỉ mang theo mấy bộ xiêm áo dùng cho mùa hè, mang theo ít bạc làm lộ phí là được rồi. Bây giờ không phải là đi chơi, mà là đi lánh nạn thời chiến. Để La Đại và mấy người làm ở lại trông coi nhà cửa. E rằng bọn quyền phỉ hoặc quan binh hay bọn Tây sẽ đến cướp, nhà cửa có lẽ sẽ bị một mồi lửa thiêu rụi. Mang theo hòm xiểng thảm đệm có gì mà quan trọng. Đi lánh nạn,thoát được nạn thì còn; Nếu không thoát được nạn, mất thì cũng vẫn mất cả rồi”.
Diêu Thái Thái vẫn hỏi thêm: “Thế còn số áo da và châu báu thì sao?”
“Mình có thể thuê được mấy chiếc xe đây, cả nhà lớn bé trai gái cũng chiếm tới 5 cỗ xe rồi. Có thể thuê được 5 cỗ không? vẫn chưa dám nói trước”
Sau đó, ông cho gọi La Đại vào phòng khách. La Đại đã ở nhà họ Diêu từ nhiều năm rồi, là bà con xa dưới quê của Diêu thái thái. Chủ nhà hiểu tính tình của La Đại, tin tưởng giao cả mọi việc cho ông lo liệu.
Diêu đại gia nói: “La Đại, ngày mai bác và tôi cùng đi sắp xếp một số thứ: đồ sứ, đồ ngọc và mấy bức tranh chữ tinh phẩm, sắp xếp xong thì đem chôn dấu. Còn đồ gỗ, giá treo thì cứ để nguyên như cũ. Nếu như có bọn kẻ cướp cường bạo đến cướp thì cũng đừng chống cự, để mặc ý chúng lấy đi. Đừng vì những thứ không đáng bao nhiêu tiền mà mất đi cái mạng già, không đáng đâu”
Ông cũng bảo với anh vợ Phùng Cữu Gia ngày mai đi chuẩn bị ít vàng và bạc, cả loại nguyên đĩnh, cả bạc lẻ để chuẩn bị dùng khi đi đường. Phùng Cữu Gia chăm lo các việc trong nhà họ Diêu, lại trông coi cả việc buôn bán của tiệm thuốc bắc và trè. Phùng Cữu Gia còn phải đi thăm hỏi một vị thái y, xem xem có thể tìm chút quan hệ với người nhà quan, để trên đường đi có sự che chở của quan trên.
Một mình Diêu đại gia nằm ngủ tại thư phòng bên dãy nhà ngang phía Tây Nam. Đến đêm khuya, sau khi mọi tiếng ồn ào đều đã lắng xuống, ông đánh thức La Đại. Ông kêu La Đại thắp đèn lồng, theo ông ra sau vườn hoa, mang theo một cái xẻng, một cái thuổng và phải giữ thật im lặng, không được để phát ra tiếng động. Hai người, một chủ, một tớ mang theo sáu món đồ đồng thau có từ đời Chu và đời Hán, mấy chục món đồ ngọc, khắc ấn bằng đá, tất cả đều được chính tay Diêu đại gia cẩn thận sắp xếp vào chiếc hòm làm bằng gỗ đàn hương, rồi đem chôn dưới gốc một cây táo trong vườn. Dưới sáng sáng của ngọn đèn lồng và những vì sao đêm hè tháng bảy, chủ tớ hai người phải mất nửa tiếng mới xong việc.
Trước khi cả nhà chưa có ai thức dậy, Diêu đại gia trở về phòng, vui vẻ mà phấn khởi. Sương xuống khá dày, La Đại hơi bị ho, đó là lúc cần phải đi pha một bình trà nóng.
Diêu đại gia thường hay ngủ một mình, ông cũng không nạp thiếp. Ông chủ của gia đình giàu có này, ngoài thư tịch, đồ cổ, con gái thì tất cả mọi thứ ông đều không quan tâm. Ông không nạp thiếp vì hai lý do. Thứ nhất là Thái Thái không đồng ý. Thứ hai là vì lúc ngoài ba mươi tuổi, ông cưới mẹ của Mộc Lan, cuộc sống của ông có một đột biến. Với sự đột biến đó, từ một kẻ phong lưu ham mê tửu sắc dám cả gan làm loạn, ông biến thành bậc thánh hiền Đạo gia chân chính. Trước khoảng thời gian đó, cuộc sống của ông, đối với gia đình ông mà nói, là những ngày tháng đen tối bẩn thỉu xấu xa. Ông uống rượu, đánh bạc, cưỡi ngựa, đấu kiếm, đánh quyền, chơi gái, nuôi ca nữ, bao kỹ nữ, giang hồ phóng đãng, kết giao công khanh. Ấy thế mà, đột nhiên ông thay đổi hẳn. Sau khi ông lấy vợ được một năm thì cha ông tạ thế, để lại cho ông gia sản bạc triệu, nào là ở Hàng Châu, Tô Châu, Dương Châu, Bắc Bình, có tiệm thuốc bắc, tiệm bán chè, thường buôn dược liệu từ Tứ Xuyên và chè từ Phúc Kiến và An Huy, ngoài ra còn có vô số tiệm cầm đồ.Trong những năm đó, tinh thần trong ông có biến chuyển, đúng là thần bí không thể đoán trước được. Trước và sau khi kết hôn, ngay cả đến vợ ông cũng không hiểu có phải ông đã thực sự hối cải triệt để để trở thành một con người mới. Ông bỏ đánh bạc, vốn nổi tiếng là một tay ma men tửu lượng vô địch thế mà ông cũng ngừng hẳn, háo sắc bạt mạng và cả những chuyện làm tổn hại đến sức khoẻ kiên cường như La Hán của ông, ông đều bỏ cả; Công việc làm ăn buôn bán ông cũng vứt qua một bên không thèm quan tâm. Anh vợ Phùng Cữu Gia của ông là một người sành việc buôn bán, ông liền giao cả cho một tay Phùng Cữu Gia lo liệu.
Vào khoảng giữa những năm Quang Tự thứ hai mươi bốn và hai mươi sáu, khắp nơi phổ biến tư tưởng mới, khởi xướng tư tưởng mới là phát động đổi mới, sau đó việc đảo chính bị thất bại, cuối cùng dẫn đến việc Hoàng đế Quang Tự bị cầm tù trong cái cung điện rộng lớn đó. Cũng là qua sách vở báo chí lưu hành thời đó mà Diêu đại gia hấp thụ được tư tưởng mới.
Trong lúc La Đại đi pha trà, Diêu đại gia không đến phòng ngủ của thái thái (các con ông cũng cùng ngủ ở đó với vợ ông) mà ông đi đến thư phòng ở dãy nhà phía Tây. Ông nằm trên cái giường lò (3) suy ngẫm về những việc cần làm hôm đó. Mỗi khi bắt đầu luyện tập dưỡng sinh, ông đều đến căn phòng này. Giữa đêm tỉnh dậy, xếp bằng hai chân ngồi thiền. Trên trán, rồi hai bên thái dương, trên má, trên cằm, sau đó là lòng bàn tay và lòng bàn chân, ông lần lượt xoa bóp theo một số lần cố định, tiếp theo là ông nín thở, dồn khí xuống đan điền rồi lại vận khí, điều hoà nước miếng tràn vào cổ họng. Như thế, dưới sự kích thích tuần hoàn và khống chế hơi thở, trong đêm khuya yên tĩnh, ông có thể nghe thấy khí huyết chảy trong ruột, nó tuần hoàn như thế nào, nó tụ về đan điền như thế nào. Việc luyện tập đó phải được làm trong vòng mười lăm phút, có lúc là mười lăm phút, có khi đến hai mươi phút, đó chính là công phu dưỡng khí. Trong một khoảng thời gian nhất định, ông xoa bóp lòng bàn tay và bàn chân. Nhưng từ trước tới nay ông chưa từng làm quá sức, một khi đạt được cảm giác sảng khoái, cảm thấy khí huyết lưu thông, thông suốt đến hai chân, toàn thân đỏ hồng, khi có cảm giác thoải mái kì diệu, ông sẽ dừng lại ngay. Sau đó ông thả lỏng toàn thân, nằm xuống và ngủ một giấc thật khoẻ.
La Đại vén tấm mành lên, bê bình trà đi vào, ông rót một chén trà nóng rồi đặt xuống trước giường. Diêu đại gia súc miệng rồi nhổ trà vào cái ống nhổ.
La Đại nói: “Lão gia, chuyến đi lần này rất vất vả, hôm nay ông phải nghỉ ngơi thật khoẻ. Tôi không biết có thể thuê được xe hay không. Sáng sớm nay sẽ có người đến báo tin”.
La Đại lại rót cho lão gia một chén trà rồi nói tiếp:
“Chuyện này tôi cũng nghĩ kỹ cả rồi, tốt nhất là Phùng Cữu Gia ở lại nhà. Một mình tôi đảm đương không nổi trách nhiệm nặng về đó. Ông cho Thanh Hà, Cẩm Nhi, Ngân Bình, Nhũ Hương cùng đi theo cả. Trong thời buổi này, để đàn bà con gái trẻ tuổi ở nhà sẽ gây nhiều phiền phức”.
Diêu đại gia nói: “Hay lắm. Gọi thêm lão Đinh và lão Trương đến trông nhà cùng bác. Nhưng mà Phùng Cữu Gia thì phải đi cùng chúng tôi. Lão Đinh và lão Trương đều là người làm ở hàng thuốc bắc, cửa hàng đó cách không xa phía Nam của con ngõ Mã Đại Nhân, bởi vì ở đó chỉ bán thuốc bắc và trà, không có chút liên quan gì với người Tây cho nên đến tận bây giờ vẫn không bị cướp bóc đập phá.”
La Đại trả lời: “Tôi đi gọi hai người họ, nhưng tốt nhất đừng gọi thêm người khác nữa. Ít người ít phiền phức. Thế còn cửa hàng thì sao ạ?”
“ Hai anh em họ Trần phải ở lại cửa hàng. Trừ thảo dược thì ở đó cũng không có gì để mà cướp. Mà họ lấy những thứ đó để làm gì? Chúng ta lại không có gương Tây cho họ đập. Chi bằng cứ tiếp tục đóng cửa, cục diện chưa thay đổi theo hướng tốt thì cứ không mở cửa. Mấy hôm trước, hiệu buôn đồ tây Bác Uy bị cướp, chúng đem đồng hồ, gương tây đập vỡ hết. Một tên cầm một bình nước hoa mà cứ ngỡ là rượu, uống vào rồi, mặt hắn bỗng tái xanh, ngã bổ xuống đất kêu gào ầm ĩ. Nói là uống phải thuốc của người Tây mà trúng độc. Một anh làm cho hiệu buôn đó nói, bọn chúng cho rằng điện thoại là yêu quái địa lôi, giấu ở đó để nổ chết bọn họ, thế là chúng đem điện thoại ra đập cho nát vụn, đường dây cũng bị chúng cắt đứt cả. Có người bắt được một hình nộm một cô gái nước ngoài, liền lột hết quần áo rồi mang hình nộm cô gái nước ngoài trần như nhộng đó vác lên vai đi giễu khắm phố. Dân chúng hò reo hoan hô, đem cô hình nộm đó ra mà làm trò đùa. Bọn trẻ con thì chạy đến giật mái tóc màu vàng của cô hình nộm rồi đánh cãi nhau hỗn loạn…” La Đại và Diêu đại gia đều bật cười. Lúc này trời đã sáng rõ, trong sân nhà đã có tiếng người nói chuyện. La Đại cuộn tấm rèm cửa sổ bằng giấy lên, hôm đó là một ngày nắng nực. Mùa hè, thời tiết về đêm ở Bắc Kinh rất mát mẻ. Còn về ban ngày, vì là nhà trệt nên người dân đều hạ những tấm rèm cửa sổ làm bằng giấy xứ Cao Ly xuống để tránh ánh nắng, như thế giúp cho nhiệt độ trong phòng mát chẳng khác nhà làm dưới đất vậy. Năm nay, Diêu đại gia không gọi người đến lợp mái che nắng bằng cây lau sậy trong sân và trên nóc nhà. Các mùa hè năm trước đều phải làm mái che nắng. Có mái che nắng bên trên, trong phòng ngoài sân đều râm mát như dưới bóng cây cổ thụ vậy, đồng thời không khí cũng vẫn có thể lưu thông. Tháng năm vừa rồi do có nạn quyền phỉ, hỏa hoạn xảy ra khắp nơi, các tấm lợp làm bằng gỗ sam và lau sậy sẽ dễ bắt lửa, rồi phòng ốc cũng sẽ dễ bị hỏa hoạn.
La Đại vén tấm rèm cửa, đi ra bên ngoài. Diêu đại gia yên lặng ngồi một lát, định thần, ông nghe tiếng cô con gái Mộc Lan mà ông cưng như ngọc quý trên tay: “Cha ơi, cha thức dậy chưa?”
Lúc đó Mộc Lan vẫn còn dáng vẻ một bé gái yếu ớt và có phần hơi nhỏ so với một đứa trẻ 10 tuổi. Mộc Lan có đôi mắt rất sáng, mái tóc đen mượt được kết thành bím, buông xõa trên vai. Bộ áo váy mùa hè mỏng càng thể hiện rõ vóc dáng gầy nhỏ của Mộc Lan. Cô bé thường đến thư phòng tìm cha để nói đủ chứ chuyện, cha cô cũng thích nói chuyện với cô. Mỗi sáng sớm, nếu như cha không ngủ trong phòng của mẹ phía sau sân thì Mộc Lan sẽ đến ngay sân trước để thỉnh an cha. Đó là việc mà cô làm đầu tiên sau khi rửa mặt chải đầu vào mỗi sáng.
Khi cô bước vào, cha cô hỏi: “Mẹ con đã dậy chưa?”
Mộc Lan trả lời: “Dậy cả rồi ạ, chỉ còn Thể Nhân và em con là chưa dậy”. Ngay sau đó cô lại hỏi tiếp: “Sao tối qua cha nói những thứ đồ cổ đó đều là đồ phế phẩm không đáng vài xu?”
“Nếu con cho những thứ đồ đó là phế phẩm thì nó là phế phẩm”. Câu nói đó của cha quá sâu sắc đối với Mộc Lan, cô không hiểu lắm.
“Lẽ nào cha muốn để những thứ đó lại cả sao? Ít nhất là cũng phải đem giấu những con vật nhỏ bằng ngọc và bằng hổ phách đi cho con, con thích chúng”.
Cha nói: “Con ngoan, cha đã giấu đi rồi”. Rồi ông đem bí mật hồi đêm tỉ mỉ nói cho Mộc Lan nghe, ông cho cô biết đã chôn giấu những đồ vật nào, tên của từng món đồ đều được Mộc Lan ghi nhớ.
Cô lại hỏi cha: “Nhỡ có người tìm được những món đồ đó, đào cả lên thì làm thế nào?”. Cha cô đáp: “Nghe này, con gái. Con nên biết, mọi vật đều có chủ. Trải qua ba nghìn năm,, những thứ đồ đồng từ thời Chu đó đã qua tay mấy trăm chủ rồi. Trên đời, không ai có thể chiếm mãi mãi một vật phẩm nào được cả. Như bây giờ mà nói, cha là chủ. Một trăm năm sau, biết ai sẽ là chủ của nó đây?”
Mộc Lan cảm thấy buồn buồn. Cha cô lại nói tiếp: “Nếu như người đào được những báu vật đó lên mà số mệnh không phải là chủ nhân của chúng thì cái mà anh ta có được chẳng qua cũng chỉ vài cái vại nước mà thôi”.
“Thế còn mấy con vật nhỏ khảm ngọc, đều được để trong hòm rồi sao?”
“Những thứ đồ đó sẽ cùng nhau bay đi giống như những chú chim nhỏ vậy”
“Nhưng mà nếu như chúng ta đào lên thì sao?”
“Thì đồ ngọc vẫn là đồ ngọc, đồ đồng vẫn là đồ đồng”
Lúc này Mộc Lan mới vui. Những điều đó đối với Mộc Lan chính là một bài giảng. Cái phúc không phải từ bên ngoài đến mà là sinh ra từ bên trong. Nếu như một người thực sự tốt phúc, hoặc là trên đời này cái may mắn có vô vàn hình thức thì cần phải có đức hưởng phúc mới có thể giữ được cái phúc lâu bền. Trước mặt một người có phúc, một vại nước trong sẽ biến thành nén bạc trắng như tuyết; Trước người không xứng được hưởng phúc, một vại bạc trắng thì cũng sẽ biến thành một vại nước lã.
Cô a hoàn lớn Thanh Hà bước vào nói: “Thái thái hỏi lão gia đã dậy rồi chưa. Nếu như dậy rồi thì mời lão gia sang bàn việc”.
“Cữu gia dậy chưa?”
“Dậy rồi ạ, cũng đang ở đó để đợi ông”.
Diêu đại gia dắt con gái, đi xuyên qua một cái cửa hình tròn, đi vào nội viện. Ông thấy San Hô đang bận rộn xếp mấy cái hòm bằng da, bày la liệt trên sàn ngoài phòng lớn. San hô là con gái nuôi của Diêu lão gia, tuổi ngoài hai mươi, là con gái của Tạ đại gia-người bạn chí cốt của Diêu lão gia. Sau khi cha của San Hô qua đời, Diêu đại gia đưa cô về nuôi dạy nên người, coi cô như con gái ruột của ông.
Năm mười chín tuổi, ông cưới cho cô một người chồng rất tốt. Nhưng được hai năm, chồng cô bệnh mà chết, không để lại mụn con nào. San Hô lại quay về sống ở nhà họ Diêu, từ đó đến nay cũng đã được bốn năm. San Hô chăm lo việc nhà, đôn đốc bọn người hầu kẻ hạ, cô thực sự là một tay trợ giúp đắc lực của Diêu phu nhân. Đối với Mộc Lan và Mạc Sầu, cô như người chị cả. Quá khứ cũng đã từng làm cô đau lòng, nhưng hiện tại trên mặt cô không hề có nét cau có khó chịu nào cả. Cô chưa từng nghĩ chuyện tái giá, sống những ngày tháng như hiện tại, cô thực sự rất vui. Hiển nhiên, hình như cô không có sự e lệ khép nép của đàn bà, trước mặt cánh đàn ông, cô không hề thẹn thùng. Cũng như Mộc Lan, cô gọi vợ chồng Diêu đại gia là cha và mẹ. Mộc Lan gọi cô là đại tỷ, tự đổi mình là Nhị tiểu thư còn Mạc Sầu thì đổi thành Tam tiểu thư.
San Hô rất biết chăm lo công việc, mọi việc Diêu phu nhân đều giao cả cho cô, việc trong nhà phải làm thế nào, tiếng nói của cô rất có trọng lượng.
San Hô nói với Diêu đại gia: “Cha, cha dậy sớm vậy”. Miệng nói tay cô vừa kéo cái hòm, dọn đường cho Diêu đại gia.
Diêu đại gia nói: “Con còn chưa chải tóc sao. Ăn cớm sáng đi rồi hãy sắp xếp đồ đạc”.
San Hô đứng lên, mỉm cười. Cô vẫn để mái tóc được kết bím từ tối qua, mặc áo ngủ, trông giống như một thiếu nữ vậy.
Cô trả lời: “Ăn cơm sáng xong thì trời nắng mất rồi, chi bằng giờ con làm trước”
Diêu đại gia bước vào phòng phía tây rồi đi đến gian giữa, San Hô cũng đi theo sau. Diêu thái thái đang ngồi trên giường, anh trai bà thì ngồi ở cái ghế bên cạnh giường, trao đổi với em gái về chuyến đi xa lần này. Cữu gia Phùng Tử An, 30 tuổi, mặc chiếc áo dài vải dệt kiểu cũ. Cẩm Nhi thì đang chải đầu tết tóc cho Mạc Sầu. Ngoại trừ Diêu thái thái, tất cả mọi người đều đứng dậy hành lễ chào Diêu đại gia. Diêu đại gia bước tới ngồi đối diện với Diêu thái thái. Mộc Lan cũng lặng lẽ đi tới ngồi bên cạnh mẹ, chờ nghe người lớn nói chuyện. Trẻ con Trung Quốc trong giai đoạn trưởng thành, có những lúc cử chỉ hành động bỗng nhiên giống như một người lớn nhưng tâm hồn chúng thì vẫn giữ nét ngây thơ trẻ con như cũ. Giai đoạn đó ở con gái là khoảng chín hoặc mười tuổi. Còn con trai, nếu không nuông chiều từ bé thì khoảng mười hai hoặc mười ba tuổi. Bọn chúng thích ăn mặc như người lớn, bắt chước người lớn. Chúng lấy việc mình biết cư xử, hiểu chuyện, biết những quy tắc lễ phép trong cuộc sống mà tự hào, hãnh diện. Nếu như không hiểu chuyện hoặc là ấu trĩ mít đặc thì chúng thấy mất mặt, không được vẻ vang. Trẻ con biết tuân theo quy củ, người lớn sẽ đối đãi với chúng như là người lớn, và cũng rất thành thật. Tuy rằng Diêu thái thái vốn rất nghiêm nhưng Mộc Lan không hề biết sợ mẹ. Bởi vì từ sau khi một đứa con của bà bị bệnh lâu ngày mà chết, đối với những đứa con còn lại, Mộc Lan và Mạc Sầu, bà dịu dàng hơn rất nhiều.
Ở đây có thể nói thêm một chút về thói quen đặt tên con của Diêu đại gia. Ông cố gắng tránh đặt tên cho con gái theo cách lạm dụng những từ quá nho nhã như là: thu, nguyệt, vân, hương, thúy, thanh, huệ, tú, hoa, lan, mẫu đơn, mai quế hoặc tên của các loài hoa cây cảnh khác. Ông tìm những cái tên trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc, như thế mới không trùng với những người khác. “Mộc Lan” là tên của kỳ nữ Hoa Mộc Lan đóng giả nam trang thay cha tòng quân bảo gia vệ quốc. “Mạc Sầu” vốn là tên của con gái một gia đình giàu có thời xưa, sau đó tên của cô ấy lại được đặt cho một cái hồ ở ngoài thành Nam Kinh. “Mục Liên” là tên cô con gái thứ ba. Mục Liên từ nhỏ yếu đuối bệnh tật, Mục Liên được lấy theo tên của một vị thánh nhân Phật giáo đi vào địa ngục để cứu mẹ, vừa thông thường dễ hiểu lại vừa thể hiện ý nghĩa hiếu thuận với cha mẹ. Tuy rằng mang cái tên ấy, lại bái cả ni cô ở Am ni cô Tây Sơn làm sư, nhưng cô con gái bất hạnh đó vẫn ra đi từ khi còn rất nhỏ.
Diêu đại gia nói với Phùng cữu gia: “Tốt nhất là anh đi gặp vị Tưởng thái y đó sớm một chút”.
Mộc Lan nói: “Ai bị bệnh thế ạ?”
Mẹ Mộc Lan chặn lời ngay: “Trẻ con phải nghe nhiều nói ít chứ”. Rồi bà quay sang nói với anh trai: “Anh đi gặp ông ấy làm gì?”
“Xem xem có thể nhờ vào quan hệ của ông ấy, kiếm một bản công văn nhà quan, để trên đường đi có quan trên che chở”.
Quên việc phải kiềm chế bản thân, Mộc Lan chen vào nói ý kiến của mình: “Sao không đi tìm Nghĩa Hòa Đoàn che chở chúng ta? Hiện tại bọn họ đang đắc thế mà”.
Cả phòng lập tức im phăng phắc, đó là vì Mộc Lan bỗng nhiên đưa ra một đề xuất mà từ trước đến giờ chưa ai nghĩ tới. Phùng cữu gia nhìn sang Diêu lão gia, Diêu lão gia lại nhìn Phùng cữu gia, còn Diêu thái thái thì đưa mắt nhìn cả hai người bọn họ.
Diêu đại gia nhìn lại Mộc Lan, nở một nụ cười đắc ý, rồi nói: “Nó thật là có chủ ý. Thế thì tốt nhất là đi xin một tờ giấy thông hành an toàn ở chỗ Đoan vương gia. Tưởng thái y quen biết với Đoan vương gia đấy”.
San Hô nói: “Xem đứa trẻ này xem, mới mười tuổi, nhưng đừng có xem thường cô ấy nhé. Sau này cô ấy lớn lên, tôi thật chẳng dám trêu chọc cô ấy đâu. Cô ấy phải lấy một anh chồng câm, một mình cô ấy nói hết cả phần hai người”.
Mộc Lan vừa vui mừng vừa xấu hổ. Vui vì thể hiện thành công, vui mừng ngất ngây; Xấu hổ là vì được người lớn khen ngợi, ngượng nghịu băn khoăn.
“Trẻ con nghĩ gì nói nấy. Nó thì biết cái gì?” Mẹ của Mộc Lan dằn niềm vui trong lòng mà nói thế. Không để con cái kiêu ngạo phóng túng là cách làm đúng của người làm mẹ vậy.
Lúc ấy Thanh Hà bước vào nói rằng cơm sáng đã chuẩn bị xong đâu đấy.
Diêu thái thái chợt nghĩ đến con trai bà, liền hỏi: “Thể Nhân đi đâu rồi?”
“Cậu đi xem Ngân Bình cho con chim ưng của cậu ăn ngoài vườn hoa phía đông, con bảo cô ấy gọi cậu về”.
Mọi người cùng đi đến phòng ăn ở dãy nhà phía đông để ăn sáng. Vẫn còn chưa xong bữa, La Đại đến nói người phu xe la đến rồi. Phùng Tử An liền cho nốt miếng bánh màn thầu vào miệng rồi đi gặp anh ta.
Phu xe nói ngoài thành quân lính đông mà thổ phỉ cũng nhiều, từ la đến ngựa đều khó kiếm, không anh phu xe nào chịu mạo hiểm đi đường xa như thế, cho nên, cuối cùng đành phải trả cao tiền lên, thấy đáng giá mới có người chịu nhận. Anh ta nói ra một giá tiền, thật là khiến người ta khiếp vía, mướn 5 cỗ xe mất năm trăm hai bạc. Anh ta nói đi suốt mười ngày đường, mạo hiểm cả tính mạng thì đó cũng chỉ là một món tiền nhỏ. Tranh luận mãi, người phu xe một chút cũng không chịu bớt, luôn nói rằng có thể anh ta mất cả la, toi cả mạng. Phùng cữu gia nói nhà họ có giấy thông hành nhà quan, có quan trên che chở. Nhưng mà người phu xe vẫn không chịu giảm giá. Cũng vì nhìn anh phu đó xem chừng là người trung thực, Phùng Tử An cuối cùng cũng đồng ý. Tuy vậy, giá cho chuyến đi này cao như thế thực là trước nay chưa từng có.
Phùng cữu gia bước vào nói với mọi người giá tiền thỏa thuận, Diêu thái thái nói đây đúng là chuyện lạ xưa nay chưa từng nghe, nhưng mà cũng không có cách nào khác. Bọn trẻ con nghe nói được ngồi năm chiếc xe thì nhảy nhót vô cùng hứng thú, chúng bắt đầu phân chia xem ai sẽ ngồi xe với ai. Thể Nhân muốn ngồi chung xe với Ngân Bình, Mộc Lan và Mạc Sầu đều nói muốn ngồi chung xe với San Thư. Điều mà bọn trẻ con cảm thấy chỉ là vui vẻ và náo nhiệt mà thôi; Mộc Lan Mạc Sầu thì đây là lần đầu tiên trong đời được ngồi xe đi thuyền, hơn nữa cũng náo nức muốn xem Hàng Châu là như thế nào, bởi vì hàng ngày các cô thường nghe mẹ và San Thư nói về Hàng Châu không biết bao nhiêu lần rồi.
Phùng cữu gia đi thăm hỏi Tưởng thái y, vị thái y này là chỗ thâm giao với nhà họ Diêu. Ông ta nhận lời lấy giấy thông hành an toàn, lại xem có thể tìm được hộ vệ hay không, ông hứa nhất định sẽ cố gắng hết sức. Giấy thông hành của Đoan vương vừa có thể đề phòng được quan binh lại vừa có thể tránh được sự cướp bóc của bọn quyền đồ.
Diêu đại gia nói họ chỉ cần mang quần áo mùa hè, không nên mang các đồ dùng khác, việc sắp xếp hành lý cũng gọn nhẹ hơn nhiều, nhưng mà cũng đủ để cả nhà bận rộn suốt một này. Chỉ có mình Thể Nhân là vẫn chơi chim ngoài vườn hoa phía đông, thỉnh thoảng lại làm phiền Ngân Bình làm việc.
Chiều tối hôm đó, ráng chiều rực đỏ, dự báo ngày hôm sau nhất định sẽ nắng gắt. Cơm tối xong, cả nhà lại ngồi với nhau để bàn việc, thương lượng xem mọi người chia nhau ngồi xe như thế nào.
Diêu thái thái giải thích với từng người là sẽ đi đến Đức Châu rồi chuyển xuống đi thuyền, bà nói rất rõ ràng từng chút, rồi đưa cả địa chỉ ở Hàng Châu cho mọi người, để lỡ có lạc đường thất tán cũng biết hỏi đường mà về. Sau cùng bà căn dặn mọi người đi ngủ sớm vì ngày mai phải dậy từ sáng sớm.
(1)Cam Quân: Đội quân Cam Túc. Năm 1867, năm thứ 6 đời vua Đồng Trị, Tả Tông Đường nhậm chức khâm sai đại thần giám sát việc quân sự của ba tỉnh Giang Tô– Thiểm Tây – Cam Túc, mua chuộc Đổng Phúc Tường là một trong những thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Cam Túc, đem tất cả các đội dân quân sở thuộc đổi thành Cam Quân.
(2) Quyền đồ: Chỉ những người đi theo Nghĩa Hòa Đoàn.
(3) Giường lò: còn gọi là giường đất. Là loại giường đắp bằng đất có lò sưởi để nằm cho ấm vào mùa đông. Trường gặp ở miền Bắc Trung Quốc.
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn