18:18 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » GÓC ĐỌC SÁCH

[Tiểu Thuyết] KINH HOA YÊN VÂN: Chương 3

Thứ hai - 20/10/2014 22:41

KINH HOA YÊN VÂN | 京华烟云

Tác giả: Lâm Ngữ Đường

Dịch: 2zhaowei

第三章: 曾大人途中救命 姚小姐绝处逢生

Chương 3:

Tăng đại gia giữa đường cứu mạng 
Diêu tiểu thư thoát nạn, hồi sinh
[Tiểu Thuyết] KINH HOA YÊN VÂN: Chương 3

[Tiểu Thuyết] KINH HOA YÊN VÂN: Chương 3

Sau này, khi gặp lại Mộc Lan, ông bà Diêu mới hiểu được chuyện xảy ra với con gái họ là như thế này: Lúc đó chỉ còn lại một mình Mộc Lan trên xe, Mộc Lan rất sợ hãi nhưng mà cô bé không hề khóc. Mộc Lan luôn nghĩ cách để xuống xe, cuối cùng Mộc Lan cũng thành công. Đó là vì con ngựa kéo xe chạy đến đầu cầu, nó lưỡng lự không biết rẽ vào đường nào thế là xe dừng lại được. Xung quanh không có người, từ phía xa xa Mộc Lan chỉ trông thấy có mấy tên lính, cô biết là xe của cô chạy từ hướng đó tới. Cho nên Mộc Lan chạy ngược lại hướng đó, một mạch chạy thẳng đến chỗ ngã tư. Lúc đến nơi thì ở đó đã không còn ai nữa, Mộc Lan vừa chóng mặt vừa sợ hãi, cô ngồi phệt xuống đất mà khóc. Một đoàn lính đi qua, một chú lính to béo ôn hòa dừng lại, hỏi xem Mộc Lan gặp chuyện gì.
 
Mộc Lan cầu khẩn nói: “Các thúc thúc đại gia, làm ơn đưa cháu đi tìm cha mẹ”.
 
 “Cha mẹ cháu ở đâu
 
Mộc Lan nói: “Cháu cũng không biết. Chúng cháu từ Bắc Kinh đến. Các vị thúc thúc đại gia ra tay giúp đỡ, giúp cháu tìm lại cha mẹ. Họ có tiền, sẽ đền ơn các vị.”
 
Lúc ấy, một người phụ nữ đi cùng đám quân lính đó bước đến, bà thắt một chiếc dây lưng màu đỏ. Mộc Lan nhìn thì biết ngay đó là một Hồng đăng chiếu vì ở Bắc Kinh đã từng gặp qua. Người đàn bà đó có nước da màu gỗ tử đàn, khuôn mặt to tròn như cái đĩa, hai bàn chân để tự nhiên không bó. Cả đám người đó có vẻ là người của Nghĩa Hòa Đoàn, còn người đàn bà kia chính là cấp trên của họ.
 
Mộc Lan lại cầu khẩn: “Dì ơi, đưa cháu đi tìm cha mẹ cháu với”.
 
Người đàn bà đó ôn hòa hỏi Mộc Lan: “Thế cháu muốn đi đâu?
 
Mộc Lan không nhớ ra là họ đang cần đến phủ Hà Gián, đành phải trả lời: “Nhà cháu muốn đến Đức Châu”.
 
Đức Châu là quê của ta, cháu đi cùng ta cũng được”.
 
Mộc Lan cảm thấy sợ người đàn bà Nghĩa Hòa Đoàn này, nhưng dù sao thì bà ấy cũng là phụ nữ, trước mắt là người duy nhất có thể giúp đỡ mình, Mộc Lan liền nói: “Nếu như dì dẫn được cháu đến Đức Châu, cha mẹ cháu sẽ đền ơn dì”.
 
Người đàn bà liền quay người lại ra lệnh cho chú lính béo lúc trước cõng Mộc Lan. Người lính đó khá hiền lành, Mộc Lan cũng không thấy sợ, chỉ là không thích bàn tay vừa thô ráp vừa bẩn của chú ta, bàn tay ấy dường như ghì Mộc Lan khá chặt, khiến cho Mộc Lan cảm thấy rất đau, hơn nữa trên người của chú ta lại đầy mùi tỏi. Không lâu sau, họ nhìn thấy một con ngựa chạy loạn. Người đàn bà ra lệnh cho mấy tên lính đi bắt con ngựa đó lại. Chú béo tuân lệnh đưa Mộc Lan lên cưỡi ngựa cùng. Điều này khiến cho Mộc Lan cảm thấy rất kỳ lạ, bởi vì từ trước tới nay cô chưa từng cưỡi ngựa. Chú béo hỏi cô rất nhiều chuyện, lúc đầu Mộc Lan khá dè dặt, một hồi sau thì không cảm thấy sợ hãi nữa. Chú béo cho cô biết tên chú là Lão Bát, Mộc Lan nói cô mang họ Diêu, tên là mộc Lan. Chú béo cười lớn, nói: “Cháu đã là Mộc Lan, nhất định phải tòng quân mười hai năm rồi”. Rồi hỏi Mộc Lan xem cô có thích tòng quân làm lính hay không.
 
Đi được chừng một tiếng đồng hồ, Mộc Lan vẫn không thấy thị trấn thì hỏi chú béo nguyên do là sao, bởi vì cô biết chắc rằng đi một khoảng lâu chừng đó thì phải đến một thị trấn. Lão bát nói: “Chắc ý cháu là phủ Hà Gián phải không”. Lúc đó Mộc Lan mới sực nhớ ra cái tên đó, liền bảo đúng là phủ Hà Gián. Nhưng Lão Bát cho Mộc Lan biết, bọn họ không thể đến phủ Hà Gián, bởi vì lính trong thành sẽ đánh giết họ.
 
Lúc này Mộc Lan thực sự sợ hãi. Mặt trời sắp lặn cũng là lúc đám trẻ con muốn nghỉ ngơi yên ổn. Nhưng mà không biết cha mẹ Mộc Lan đang ở nơi nào, còn mình Mộc Lan thì lại đi với đám người lạ. Mộc Lan bắt đầu khóc, một lát thì mệt mà ngủ thiếp đi. Khi tỉnh lại thì lại sợ hãi, khóc lóc rồi lại thiếp đi vì mệt.
 
Một lần khi Mộc Lan tỉnh dậy, bọn họ đang dựng lều vải tại ngôi miếu trong thôn.
 
Người đàn bà mang cho Mộc Lan một bát cháo loãng, trong đó củ cải muối, nhưng Mộc Lan không đói. Người đàn bà bảo Mộc Lan nằm dưới đất bên cạnh bà, quá mệt nhọc, Mộc Lan chìm sâu vào giấc ngủ.
 
Sáng sớm, vừa tỉnh giấc Mộc Lan lại khóc, nhưng người đàn bà Nghĩa Hòa Đoàn đó rất đáng sợ, bà ta lập tức cấm chỉ Mộc Lan. 
Mộc Lan khóc lóc van xin: “Dì ơi, dì tốt bụng mang cháu đến phủ Hà Gián tìm cha mẹ cháu đi
 
Người đàn bà đó cười, đáp: “Mày không phải nói nhà ở Đức Châu à? Bây giờ tao mang mày về Đức Châu. Nếu mày còn khóc, tao sẽ đánh mày đấy”.
 
Lão Bát nói để ông ta đưa Mộc Lan đến phủ Hà Gián nhưng người đàn bà kia nổi giận đùng đùng quát to: “Mi muốn tìm cái chết đấy hử!
 
Sau bữa sáng, đám người đó lại xuất phát, bây giờ tổng cộng khoảng ba, bốn mươi người.
 
Mộc Lan nghe nói họ chính là Nghĩa Hòa Đoàn, tham gia tác chiến ở phía Đông thành Bắc Kinh, nghe tin đồn rằng bọn quỷ Tây sắp vào thành Bắc Kinh thế là họ liền rút quân về vùng nông thôn. Qua mấy ngày sau, họ nghe tin Từ Hi thái hậu và hoàng đế Quang Tự cũng bỏ trốn cả rồi, thành Bắc Kinh trở nên vô cùng hỗn loạn, nạn cướp bóc xảy ra khắp nơi, hơn thế, bọn quỷ trắng đang đánh tiếp về phương Nam.
 
Mộc Lan hỏi: “Sao chúng ta không đánh được người Tây? Vì sao đạn lại làm chết người?”.
 
Lão Bát cười trả lời: “Vì người Tây có pháp thuật, mà lại cao cường hơn chúng ta. Ngay đến Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không trước đây cũng chưa từng nhìn thấy bọn yêu tinh tóc đỏ mắt xanh đó cho nên đạo pháp của lũ quỷ tây đó không giống đạo pháp của chúng ta. Bọn chúng có một bảo bối, để lên mắt thì có thể nhìn xa được hàng ngàn dặm”.
 
Hiện tại, thành Bắc Kinh đã bị người Tây chiếm đóng, hoàng đế chạy trốn, Nghĩa Hòa Đoàn một lòng muốn giải tán về quê. Phần đông người nông dân, cho dù không đối xử tốt với Nghĩa Hòa Đoàn lắm nhưng ít nhất cũng không nhìn họ bằng ánh mắt căm thù, bởi vì dù sao họ cũng là những người bản địa, nói cùng một tiếng nói quê hương. Có người đem vứt bỏ khăn trùm đầu của Nghĩa Hòa Đoàn. Họ oán hận triều đình lúc đầu không nên tổ chức họ lại rồi tiếp theo lại tiêu diệt họ, sau đó lại phái họ đi đánh người Tây. Rất nhiều người hối hận là đã gia nhập Nghĩa Hòa Đoàn, bằng không thì cứ yên phận ở quê mà trồng cấy thì tốt biết bao. Đội quân mà Mộc Lan đi cùng ngày hôm sau số người lại ít hơn hôm trước, họ dần dần tách đội để bỏ về quê.
 
Xem chừng đến lúc này, Lão Bát và người nữ Nghĩa Hòa Đoàn kia là một cặp tình nhân, nhưng mà cũng sắp phải chia tay rồi. Bởi vì Lão Bát thì muốn về quê của chú ấy, mà lại không phải Đức Châu, Mộc Lan sợ một mình ở lại với người đàn bà đó, chỉ mong chú béo đừng đi.
 
Nói ra cũng lạ, bài học tiếng anh đầu tiên của Mộc Lan là từ Lão Bát, một thành viên của Nghĩa Hòa Đoàn. Lão Bát nói cho Mộc Lan rất nhiều chuyện về người Tây mà chú ta tận mắt trông thấy. Còn kể cho Mộc Lan là chú ta học được một bài ca tiếng anh, đó là:
Đến đây là “Come”
Đi đi thì “Go”, hai mươi bốn là “Twenty-four”,
Khoai lang là “Potato”,
Yes!Yes!No.
Mẹ kéo thằng Tám! Kéo nó làm bánh nướng không vừng đầu chó!
 
Điều buồn cười là Lão Bát đọc chữ “Yes, Yes” theo giọng miền Bắc thành ra “nóng chết, nóng chết” (1), mỗi lần hát đến “nóng chết, nóng chết” thì chú béo gân cổ gào to hết sức rồi phá lên cười ha ha. Lúc bấy giờ Mộc Lan cũng cảm thấy mình có chút giống với Nghĩa Hòa Đoàn. Cô bé cũng cảm thấy ghét người Tây. Bọn chúng không nên đến Trung Quốc truyền giáo, giảng về ông thánh Tây Dương nào đó. Rồi cả những người Trung Quốc tin theo tôn giáo của người Tây mà người ta gọi là Nhị mao tử lại ỷ thế người Tây quay lại ăn hiếp người Trung Quốc, Mộc Lan cũng từng nghe cha mình nói như thế. Mộc Lan từng nghe cha nói Nhị mao tử và người Trung Quốc kiện cáo nhau, quan huyện thường phải xử thắng cho những người theo tín giáo Tây, bằng không thì cái mũ quan của ông ta cũng khó mà giữ được.
 
Phương pháp truyền giáo của các giáo sĩ Tây Dương là mượn thế lực người tây bảo hộ cho giáo dân Trung Quốc và bảo hộ cả chính họ nữa. Điều đó khiến cho những giáo dân Trung Quốc cảm thấy dường như họ gần gũi và cùng chủng tộc với người Tây và không thân cận với người Trung Quốc nữa. Trong quá khứ đã từng xảy ra rất nhiều vụ án tôn giáo, giáo sĩ truyền đạo Tây Dương bị sát hại, quan huyện cũng bị cách chức. Cũng chính vì hai vị giáo sĩ truyền đạo người Đức bị giết chết mà quan tuần phủ Sơn Đông bị cách chức, không chỉ thế, Thanh Đảo cũng bị cắt dâng cho người Đức. Đây cũng chính là lý do vì sao mà vị quan tuần phủ Sơn Đông kỳ thị người Tây như thế, và cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến những nhân sĩ có quyền lực của Từ Hi thái hậu, khiến cho bà mù quáng tin vào Nghĩa Hoà Đoàn. Cũng vì lẽ đó, những giáo sĩ truyền đạo trở thành cái gai trong mắt, cái giằm trong thịt đối với các vị quan huyện. Các vụ án có liên quan đến giáo sĩ truyền đạo và giáo dân khiến cho quan huyện sợ như gặp phải sét đánh đỉnh đầu vậy. Một khi có chuyện, bất kể quan huyện xử như thế nào thì cũng đều bị cách chức cả.
 
Ngoài ra, Mộc Lan cũng nghe cha nói, người Tây làm chuyện gì cũng làm ngược. Họ viết chữ từ trái sang phải chứ theo cách viết đúng là từ trên xuống dưới mà viết ngang ngượng lung tung như con cua bò. Khi gọi tên, họ lại gọi tên rồi mới đến họ. Điều kỳ lạ nhất là khi viết địa chỉ, đầu tiên là số nhà, rồi mới đến đường phố, thành thị, tỉnh, dường như họ cố ý làm ngược tất cả mọi thứ lại vậy. Thế cho nên kết quả là nếu muốn biết thư cần chuyển đi đâu, họ lại phải đọc từ dưới lên trên. Còn nữa, đàn bà con gái của họ đều để chân to, dài cả thước, nói chuyện rất to, tóc uốn quăn, mắt màu xanh, khi đi bộ con trai con gái nắm tay nhau rất tự nhiên.
Nói chung, cánh người Tây này, bạn nghĩ họ kỳ quái chừng nào thì họ kỳ quái chừng đó.
 
Họ đi suốt mấy ngày đường nhưng chẳng hề thấy được bóng dáng của Đức Châu. Họ chọn đi đường vòng qua các thị thành lớn bởi vì ở đó có quân đội. Một hôm, gặp phải quan binh, bọn họ bị chết mất bốn, năm người làm Mộc Lan rất sợ. Tổng cộng họ chỉ còn lại hai mươi người.
 
Ở một nơi khác, bọn họ dừng chân mấy ngày liền, nữ ma đầu và Lão Bát đã cãi nhau. Lão Bát muốn bà kia đi theo mình về quê, bà kia lại muốn Lão Bát theo bà đến Đức Châu nhưng Lão Bát không chịu. Mộc Lan nghe được họ cãi nhau. Đến lúc này “Đại sư huynh”, “Thánh Mẫu” hay là danh xưng gì đi nữa thì chẳng còn ý nghĩa nữa rồi. Họ đã trở thành những người dân bình thường, trở về quê cũ đường ai nấy sống. Mộc Lan cũng muốn đến Đức Châu, nhưng trong lòng lại sợ người đàn bà đó, không biết phải làm như thế nào. Lúc bấy giờ Lão Bát rất quý Mộc Lan, muốn đưa Mộc Lan cùng đi nhưng người đàn bà kia chết cũng không chịu buông, Lão Bát cũng không có cách nào bắt bà ta nhượng bộ. Hai người cãi vã nổ đom đóm, Lão Bát bắt đầu dùng những từ ngữ xấu xa để chửi bà ta, gọi bà ta nào là “đồ mẹ mìn”, “gái điếm thối tha”, “con mụ chân to”, “đồ lừa đảo” rồi cả “bắt cóc trẻ con đem bán”
 
Lão Bát mắng: “Tôi biết mụ muốn bán đứa bé này, cái đồ bắt cóc buôn người nhà mụ! Tôi thừa biết thủ đoạn của mụ rồi!
 
Rồi Lão Bát nói với Mộc Lan: “Ta không thể đưa cháu đi được, chẳng có cách nào. Cháu phải cẩn thận với con mụ thối tha này đấy!” Nói thế rồi đi ngay.
 
Mộc Lan mở trừng đôi mắt nhìn người đàn bà đó, không dám nói câu nào. Trước đây Mộc Lan từng nghe cha và Cẩm Nhi nói về bọn buôn người, quả thật là sợ đến chết. Trong lòng Mộc Lan đã tính sẵn, đến được Đức Châu rồi sẽ nghĩ cách chạy trốn nhưng lúc đó thì Mộc Lan chỉ im lặng không nói lời nào.
 
Ở cùng với một bà như thế thật là đáng sợ. Bây giờ Mộc Lan phải tự đi bộ mà còn phải không để tụt sau bà ta quá xa. Bà đó dặn Mộc Lan rằng trên đường đi nếu có nói chuyện với người khác thì phải giả như họ là hai mẹ con.
 
Cũng may mà đi chưa đầy một ngày đường, lúc trời tối là đã đến được Đức Châu. Khi đã nhìn thấy Đức Châu trong tầm mắt, Mộc Lan muốn bỏ trốn, bà ta liền tóm Mộc Lan lại, đánh vào đầu Mộc Lan, tát vào mặt cô bé rồi doạ rằng nếu như Mộc Lan chạy nữa thì bà sẽ đem cái bàn là nung nóng lên mà là phẳng cô ra. Cũng từ lúc đó, người đàn bà đó không lơi lỏng Mộc Lan một chút nào. Hai người vào thành, đi qua mấy con đường rồi lại đi qua một cổng thành khác, đến một ngôi làng tiêu điều hoang vắng, đi vào một ngôi nhà, bốn bên bao bọc bởi cây cối, ngay sát một con suối nhỏ, chỉ rộng khoảng 10 thước. Trong nhà có một người đàn ông cao to vạm vỡ, khoảng chừng trên dưới bốn mươi tuổi. Mộc Lan mệt mỏi vô cùng, chẳng thể để ý được xem chuyện gì đang xảy ra. Họ đem nhốt Mộc Lan trong một gian phòng nhỏ, lúc người đàn bà kia và người đàn ông to cao ở phòng ngoài nói chuyện, Mộc Lan đã ngủ thiếp đi từ lúc nào.
 
Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, Mộc Lan phát hiện ra mình đang ở trong một gian phòng nhỏ, chỉ có một cái cửa sổ ở khá cao mà cô với tay cũng không thể tới được bậu cửa. Người đàn bà nọ bước vào với chiếc kìm gắp than đỏ rực trong tay nói với Mộc Lan: “Mày đã từng được nếm mùi vị của thứ này chưa? Nếu mày dám chạy, tao sẽ chọc thủng hai con ngươi mày ra”.
 
Mộc Lan sợ hãi run lẩy bẩy, hứa với bà ta sẽ ngoan ngoãn nghe rời, không bao giờ chạy trốn.
 
Ngày thứ ba, một bé gái sáu tuổi nữa bị ném vào nhốt chung với Mộc Lan.
 
Toàn những điều đáng sợ, không biết đại nạn sau này thế nào, thật là không dám đoán trước.
 
Sau đó hai hôm, không nghe thấy tiếng của mụ đàn bà, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng của người đàn ông mà thôi.
 
Một hôm, mụ ta quay về, sung sướng cười to.
 
Bà ta hét lớn: “Xong xuôi rồi!”
 
Mộc Lan nghe thấy tiếng mở khoá.
 
Mụ đàn bà đó hớn hở nở nụ cười làm lành: “Tiểu thư!” Đây là lần đầu tiên sau suốt bao nhiêu ngày qua Mộc Lan nghe được người ta ngọi mình là tiểu thư. “Cô thật là có phúc. Ta đã tìm được người nhà cô rồi. Hôm nay cô đi tìm lại họ. Tôi đã chả nói là sẽ đưa cô đi tìm họ sao? Ta đối với cô cũng không tệ phải không?
 
Mộc Lan vô cùng kinh ngạc, mừng phát khóc lên.
 
Mụ đàn bà đó đưa Mộc Lan đến phòng lớn. Trong phòng có một cái bàn thờ, trên đó có để nến, có một miếu thờ bằng gỗ, trong đó thờ một tượng thần mặt đỏ không râu đã phai màu, nhìn ra thì đúng là Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không.
 
Mộc Lan hỏi: “Cha mẹ tôi hiện ở đâu?
 
Bà kia nói: “Đừng vội, ta sẽ dẫn cô vào trong thành”.
 
Mộc Lan liền rối rít: “Đa tạ, đa tạ, ông trời sẽ phù hộ người tốt như bà đây! Chừng nào thì đi ạ?
 
 “Cô sửa soạn xong thì đi
 
Mộc Lan lại hỏi: “Ám Hương thì sao?”. Ám Hương là một bé gái khác, mấy ngày vừa rồi bị nhốt chung với Mộc Lan trong căn phòng tối tăm chật chội đó.
 
Vẫn chưa có ai tìm nó, ai bảo cha mẹ nó không đến tìm
 
Mộc Lan hỏi: “Tôi đưa cô ấy đi cùng được không?
 
Mụ ta nói: “Chỉ cần nhà cô bỏ tiền ra là được”.
 
Mộc Lan chạy lại cửa phòng hét lớn: “Ám Hương, tôi sẽ bảo cha mẹ tôi đến đón em.”
 
Nhưng mà mụ đàn bà kia ra sức kéo Mộc Lan đi còn nổi giận mắng Mộc Lan: “Ai khiến mày lo chuyện người khác?
 
Mụ đàn bà đó nhất định bắt Mộc Lan chải đầu, kết tóc thành bím rồi dùng một sợi dây màu hồng buộc lại ở phía sau cho Mộc Lan. Bà ta lại đổ lên tóc một ít “dầu trà”, mùi của nó khá nồng. Bà ta lại muốn thoa lên mặt Mộc Lan một lớp son phấn thật dày nhưng Mộc Lan nhất định không chịu, nói rằng từ trước đến nay chưa từng dùng qua. Mụ nọ nghe xong thì xị mặt xuống.
 
Một người đàn ông bưng vào mấy bát cháo bên trong có táo đỏ, đường đỏ. Ông ta bưng đến cho Mộc Lan một bát. Những người này rất mê tín, khi sắp chia tay với người mà họ bắt có được cũng có một quy tắc. Khi mang đứa trẻ đi giao lại, nhất định phải trang điểm cho chúng thật lộng lẫy, mỗi một việc đều cần tỏ ra thật may mắn như ý thì mới được.
 
Mộc Lan vội vã muốn đi, liền nói cô không đói nhưng mà cuối cùng vẫn phải ăn vài miếng thì bà kia mới nghe. Mộc Lan nói: “Tôi muốn về nhà, tôi không đói. Tôi đưa bát cháo này cho Ám Hương có được không?” 
 
Mụ đàn bà nhìn Mộc Lan rồi lại nhìn bát cháo vừa thơm vừa ngọt đó, sau đó bà tự mình bưng cháo đến cho Ám Hương. Mộc Lan nghe thấy bà ta nói: “Mày thật may mắn!
 
Họ còn phải làm một nghi lễ nữa. Một người đàn ông thắp ba cây hương, hướng về bàn thờ vái ba vái, sau đó đi ra từ phòng lớn, đi vào sân sau, tay vẫn cầm hương, lại hướng về trời đất vái thêm ba vái nữa.
 
Sau khi họ làm xong những chuyện đó, lúc chuẩn bị xuất phát, bọn họ nói với Mộc Lan: “Cô nói cô sẽ mang đến tiền tài phúc lộc
 
Mộc Lan nói: “Tôi sẽ mang lại tiền tài phúc lộc cho các vị, ông trời sẽ phù hộ các vị, sống lâu trăm tuổi!
 
Mụ đàn bà hài lòng nói: “Thế mới phải chứ!
 
Bọn họ đi đến bên dòng suối, lên một chiếc thuyền nhỏ. Nghe thấy Ám Hương đang khóc trong phòng, Mộc Lan rất buồn.
 
Xuôi theo dòng suối, họ chèo thuyền vào sông Vận Lương, tiến lại lần một chiếc thuyền lớn có cắm cờ đỏ. Mộc Lan biết chữ, nhìn ra được con thuyền đó là của một vị quan gia ở Bắc Kinh, trên đó còn có một chữ “Tăng” rất lớn.
 
Một người đàn bà đang ngồi phía đầu thuyền, có vẻ rất nôn nóng, cứ nhìn chằm chằm vào thuyền của Mộc Lan, có mấy đứa con trai ở bên cạnh bà ấy cũng trợn mắt lên mà nhìn, ánh mắt vừa hiếu kỳ lại vừa sợ hãi. Mộc Lan nhìn bà nọ, không biết nên xưng hô như thế nào. Mộc Lan biết ngay là không phải đi gặp bố mẹ, Mộc Lan thất vọng vô cùng. Lẽ nào người đàn bà này là bạn bè của cha mẹ sao? Nhưng Mộc Lan biết là từ trước đến giờ cô chưa từng gặp bà ta lần nào cả.
 
Mộc Lan vừa xấu hổ, vừa sợ hãi, toàn thân run lên cầm cập mà bước lên chiếc thuyền lớn. Người đàn bà kia với tay ra đón Mộc Lan. Nhìn bà ấy có vẻ rất ôn hoà, nền nếp, trông có vẻ rất đáng mến. Mộc Lan không thể không có trong lòng một cảm giác kính yêu dành cho bà. 
 
Tăng thái thái kéo Mộc Lan vào lòng nói: “Con ngoan, chắc chắn con phải chịu không ít khổ cực rồi”. Mộc Lan cũng oà lên khóc. Cô bé biết mình đang được ôm trong lòng của một người phụ nữ có lòng dạ vô cùng nhân từ thì bất chợt cảm thấy như đó chính là mẹ ruột của mình vậy.
 
Lúc bấy giờ có một chuyện rất lạ xảy ra, một vị thân sĩ trung niên có nét mặt nghiêm nghị bước đến. Ông có vầng trán cao, đeo mắt kính, để râu hơi lưa thưa, mặc áo dài, bên ngoài lại khoác thêm chiếc áo khoác cộc tay bằng vải lụa mát, một tay cầm ống tẩu hút thuốc. Ông đi bít tất vải bố màu trắng chứ không đi giày, đó là vì trên những chiếc thuyền ở sông Vận Lương, duy chỉ có người phụ nữ mang giày còn đàn ông thì không, như thế để đỡ làm dơ bẩn mặt sàn được quét sơn dầu trong khoang thuyền vốn được lau chùi sạch sẽ.
 
Vị thân sĩ đó bước đến chỗ Mộc Lan, nhìn Mộc Lan thật rõ, dường như cảm thấy yên tâm, ông hài lòng mỉm cười. Tăng thái thái nói: “Đây là Tăng lão gia. Ông ấy không biết con có nhận ra ông ấy không. Ông ấy vẫn đang thắc mắc không yên đó”.
 
Mộc Lan cảm thấy rất khó nghĩ, không biết nói là nhận ra ông, hay là không nhận ra. Mộc Lan đành theo quy tắc thông thường, khẽ đáp giọng vẫn còn hơi run: “Tăng lão gia vạn phúc, con xin thỉnh an ngài”.
 
Tăng lão gia nói: “Con là tiểu thư nhà họ Diêu sao?
 
Mộc Lan cảm thấy hình như đã nghe thấy giọng nói của ông ở đâu đó, nhanh nhẹn đáp lời: 
 
Vâng, thưa lão gia”.
 
 “Nhà con ở đâu trong thành Bắc Kinh?”.
 
 “Cổng chào Đông Tứ, ngõ Mã đại nhân”.
 
Con tên là Mộc Lan à, hay là em gái con tên Mộc Lan?”.
 
 “Con tên Mộc Lan, em gái con tên Mạc Sầu”.
 
Tăng lão gia từ từ rút trong ống tay áo ra một gói nhỏ được gói bằng khăn tay, nở một nụ cười rất kỳ lạ trong khi mở cái khăn tay ra. Cái khăn tay được mở ra nằm gọn trong lòng bàn tay ông, trong đó có hai miếng xương nhỏ đã bị lên mốc, mỗi miếng rộng chừng mười tấc, dài khoảng tám đến mười tấc, nhìn qua thì nó giống như những miếng xương thú cổ xưa bình thường không đáng kể, dường như ai cũng có thể tìm thấy được trong những hoa viên cổ xưa hoặc là trong các ngôi nhà đổ nát.
 
Tăng lão gia hỏi: “Đây là cái gì?
 
Mắt Mộc Lan sáng lên, cô bé nói ngay: “Đó chẳng phải là Giáp cốt sao?
 
Tăng lão gia bật nói to: “Đúng rồi! Đúng rồi! Nó chính là Mộc Lan, trên đời nếu có bé gái nào có thể nhận ra loại Giáp cốt này thì đúng là nó rồi”. Tăng lão gia vui sướng hô to đến nỗi không chỉ Mộc Lan thấy kinh ngạc mà cả thái thái và mấy người con trai của ông cũng giật mình.
 
Mộc Lan nhất thời cảm thấy bị mơ hồ, cô bé cảm thấy khó chịu bất an. Nhưng mà đột nhiên Mộc Lan nhớ lại, ông ta không phải ai khác mà chính là người mà cô và cha đã gặp hôm ở hội chùa Long Phúc, lúc đó họ đang tìm hiểu về mấy miếng giáp cốt.
Mộc Lan buột miệng nói: “Ngài là Tăng lão gia, ngài đã từng đến nhà chúng con!
 
Tăng lão gia nhìn Tăng thái thái nói: “Bà biết mấy năm nay tôi luôn mải tìm kiếm châu báu, nhưng mà hôm nay tôi mới tìm cho bà được một bảo bối thật sự. Chính là nó đấy!
 
Từ trước tới nay, Tăng thái thái chưa thấy chồng mình vui mừng, ung dung cởi mở, ngây ngô tự nhiên như hôm nay chứ không hề có chút nào dáng vẻ kiêu ngạo nghiêm nghị thường ngày.
 
Vào năm Quang Tự thứ hai mươi sáu, thiên hạ chỉ có mình cô bé Mộc Lan từng nghe nói về những miếng Giáp cốt có từ cách đó một ngàn tám trăm năm thế kỷ trước, những lời khen này đúng là không sai chút nào. Ở trên những thứ đó khắc chữ giáp cốt của Trung Quốc thời đại cổ xưa, hiện tại là vì tầm quan trọng khác nhau của nó mà người ta tìm hiểu rõ về nó. Vào thời đó, người ta bắt đầu phát hiện ra chữ giáp cốt ở di chỉ kinh đô cuối đời Thương khu vực Tiểu Đồn An Dương, tỉnh Hà Nam, chỉ có một số ít những người sưu tầm đồ cổ có hứng thú với những thứ này. Cha của Mộc Lan chính là một trong số ít người đó. Có một hôm Mộc Lan đi theo cha, vừa lúc gặp được Tăng lão gia, hai vị này mới bắt đầu trò chuyện. Cha của Mộc Lan rất yêu con của mình, lúc đó có nhắc tới Mộc Lan, nói là những thứ cổ vật có tuy là cổ xưa như thế nhưng Mộc Lan lại rất yêu thích. Sau khi gặp lại nhau ở hội chùa Long Phúc, Diêu lão gia thường mời Tăng lão gia đến thư phòng của ông, đến xem những cổ vật mà ông đã sưu tầm được, lúc đó Diêu lão gia cũng đặc biệt đưa Mộc Lan đến thư phòng để cùng ngồi với họ một chút. Bây giờ ngẫu nhiên có cơ hội cứu được Mộc Lan, đây chẳng phải là một nghĩa cử đối với bạn bè hay sao? Hơn thế cha của Mộc Lan lại vô cùng yêu con cái, còn bản thân Tăng lão gia thì cũng rất thích những đứa trẻ thông minh hoạt bát vì thế chuyện hôm nay khiến cho Tăng lão gia vô cùng đắc ý.
 
Mụ đàn bà lừa bán Mộc Lan và người đàn ông kia đứng im tận mắt chứng kiến cảnh tượng mà họ không thể tưởng tượng ra. Tăng lão gia đi vào phía đuôi thuyền, lấy bạc ra cân rồi đem một trăm hai lượng bạc ra đưa cho người đàn ông.
 
Tiền của anh đây, đi đi”.
 
Hai tên buôn người đó nhận bạc rồi xuống thuyền của họ, chèo đi khuất dạng. Mộc Lan nghĩ muốn nói chuyện Ám Hương nhưng lại không dám, cuối cùng là vẫn không nói, nhưng mà Tăng lão gia cũng không muốn quan tâm.
 
Mấy đứa con trai đứng tản mạn xung quanh, nhìn Mộc Lan với ánh mắt vô cùng hiếu kỳ, trong lòng chúng vừa đầy những thắc mắc lại rất ái mộ nhưng lại không dám bắt chuyện với Mộc Lan. Tăng thái thái quay người lại kéo tay Mộc Lan đến lần lượt giới thiệu với mấy cậu. Bà nói: “Đây là Bình Á, cậu cả. Đây là Kinh Á, cậu hai. Kia là Tôn Á, cậu ba. Mộc Lan, con mấy tuổi rồi?
 
Mộc Lan trả lời rằng cô mười tuổi. Bình Á mười sáu tuổi. Kinh Á mười ba tuổi còn Tôn Á mười một tuổi.
 
Bình Á khiêm tốn lễ nghĩa. Kinh Á trầm tĩnh ít nói, chẳng có cử động gì cả. Tôn Á hơi béo, lúc nào cũng cười toe toét, hai mắt rất sáng. Mộc Lan rất ngượng nghịu xấu hổ. Sau đó mới biết cậu béo nhanh mồm mau miệng hay tinh nghịch gây chuyện này khiến Mộc Lan phải chịu đựng rất nhiều.
 
Hiện tại sự kiện rắc rối phiền phức đầu tiên cũng có thể tạm qua rồi. Bây giờ Mộc Lan coi như đã biết được mình đang ở giữa những người bạn, thở phào nhẹ nhõm, Mộc Lan hỏi: “Cha mẹ con hiện đang ở đâu ạ?
 
 “Họ nhất định đi phía trước rồi. Chúng ta sẽ liên lạc với họ. Bây giờ thì con cứ ở lại đây với chúng ta”.
 
 “Thái thái cũng đang đi đường sao? Thái thái sẽ đi đâu ạ?
 
 “Chúng ta đến Thái An, Thái An là quê cũ của chúng ta”.
 
 “Thái thái đã gặp cha mẹ con chưa ạ?
 
Chưa. Căn bản chúng ta cũng không biết nhà con muốn về phương Nam”.
 
 “Vậy làm sao Thái thái biết được con lạc cha mẹ ạ? Sao mà tìm được con?
 
 “Vào trong đã, ăn chút gì rồi ta nói cho con nghe.
 
Tăng phu nhân trạc độ ba mươi tuổi, ngũ quan thanh tú, người nhỏ nhanh nhẹn, trái ngược hẳn với vẻ cao lớn mạnh mẽ của chồng, người lớn hơn bà tới mười tuổi. Nguyên quán của bà vốn ở Sơn Đông nhưng mà tổ tiên bà đã chuyển đến sống ở Bắc Kinh từ cách đây mấy đời rồi, trông bà giống như thiên kim tiểu thư con nhà dòng dõi thư hương thời đó vậy. Bà cũng học hành sách vở làm văn thơ. Bà là nhị thái thái của Tăng Văn Phác, đại thái thái sinh được Bình Á thì qua đời, Bình Á do một tay bà nuôi lớn, tuy không dứt ruột đẻ ra nhưng bà coi Bình Á như con ruột của mình vậy. Những yêu cầu với một phu nhân nhà giàu như phải có giáo dưỡng tốt, biết cách làm một hiền thê lương mẫu chẳng gây được chút khó khăn nào cho bà cả. Tăng thái thái vốn người điềm tĩnh khiêm nhường, đoan trang và khá nghiêm khắc. Sinh ra trong một gia đình thượng lưu, Tăng thái thái có nét trang nhã tự nhiên, nghiêm trang hiền thục, đối nhân xử thế đúng quy đúng cách của một phụ nữ Trung Quốc truyền thống. Bà xử lý mọi việc rõ ràng đâu đấy, đối với người ăn kẻ ở thì rộng rãi khoan dung, mọi việc trong nhà bà đều xử lý giỏi giang tháo vát. Bà biết lúc nào phải kiên định, điều gì là quan trọng nhất, khi nào cương khi nào nhu, khi nào thì nên bao dung độ lượng. Đối với việc trị gia và chế ngự chồng, khoan dung và đôn đốc là hai điều quan trọng nhất. Tăng thái thái vốn là người nhỏ nhắn thanh tú cho nên bà khá nhạy cảm, thêm nữa là sức khỏe không tốt, bà thường hay bị nhiễm nhiều bệnh tật. Ở tuổi đó rồi nhưng nước da của bà khá mịn màng, vẫn luôn trẻ trung và xinh đẹp.
 
Hiện tại, trong lòng bà chỉ có Mộc Lan. Bà nói: “Mộc Lan, con đi rửa mặt trước, ta sẽ đi lấy quần áo cho con thay”. 
 
Một cô a hoàn mang tới một chậu nước, một chiếc khăn bông, Mộc Lan rửa mặt xong xuôi thì Tăng thái thái đã cho người chuẩn bị sẵn cho Mộc Lan một bát mì xương sườn. Mộc Lan hơi làm khách, nói rằng cô không đói, nhưng mà thực tế thì Mộc Lan đói đến hoa mắt rồi. Tăng thái thái nhất định bắt Mộc Lan ăn, nói rằng bây giờ còn rất sớm, còn lâu mới tới bữa cơm trưa. Suốt mấy này vừa qua, đây là lần đầu tiên Mộc Lan được ăn ngon lành và sạch sẽ như thế. Đúng là như chưa bao giờ Mộc Lan ăn món mỳ ngon như thế.
 
Nhưng Mộc Lan vốn là một cô bé rất nhạy cảm. Tuy rằng rất đói, bát mỳ thật ngon nhưng Mộc Lan vẫn ăn từ tốn, cô sợ ăn nhanh quá sẽ khiến mọi người chê cười. Mặc dù Tăng thái thái ngồi cùng bàn và những đứa trẻ con khác thì đứng tận ngoài xa.
 
Sau khi Mộc Lan ăn xong, Tăng thái thái hỏi: “Ăn có được không con?
 
 “Ngon lắm ạ, cảm ơn Thái thái. Bây giờ xin thái thái cho con biết tình hình cha mẹ con đi. Khi nào thì con mới gặp lại được họ?
 
Tăng thái thái nói: “Ta cũng không dám khẳng định. Chúng ta cũng vẫn chưa gặp được họ.”
 
Vậy làm thế nào Thái thái tìm được con ạ?
 
Tăng tiên sinh đắc ý, nói: “Đúng là ta đã tìm được con rồi. Con nói có đúng không?
 
Nhìn thấy cha mình hào hứng vui vẻ như thế, đám trẻ con thật sự rất vui.
 
Tăng thái thái nói với chồng: “Con nó hỏi ông kìa, ông nói rõ cho nó nghe đi”. Rồi bà quay sang Mộc Lan nói: “Con ngoan, bốn, năm hôm trước chúng ta cũng vẫn không ngừng tìm kiếm con”.
 
Cảm giác đắc ý của Tăng Văn Phác đương nhiên là có lý do. Tìm được Mộc Lan là chuyện thật không dễ dàng nhưng mà ông đã làm được một cách rất hoàn hảo. Một người làm việc gì đó mà thành công, lại thành công xuất sắc có cảm giác đắc ý thế nào thì cảm giác của Tăng Văn Phác lúc đó cũng y như thế. Tìm thấy một cô bé mười một tuổi biết thưởng thức cổ vật thực sự khiến ông cảm thấy vui mừng đến phát điên lên.
 
Vốn dĩ nhà họ Tăng cũng đang trên đường về quê ở huyện Thái An dưới chân núi Thái Sơn tỉnh Sơn Đông. Họ đã rời Bắc Kinh cách đây năm tuần rồi, do dân tị nạn dồn về Thiên Tân mà đường xã tắc nghẽn khiến cho họ phải ở lại đó mất nửa tháng. Sau khi đến Thương Châu, qua một làng ở bên bờ sông Vận Lương, Tăng tiên sinh xuống thuyền lên bờ, ông nhìn thấy một cáo thị viết trên giấy màu vàng được dán trên tường một quán trà, trên đó có chữ viết tay. Tên họ và địa chỉ của người viết cáo thị đã khiến ông chú ý. Phùng cữu gia theo đường bộ men dòng sông Vận Lương để đi đến Đức Châu, cho nên ở mỗi nơi ông dừng lại để tìm tung tích Mộc Lan, ở các bến đò, quán trà trong thôn ông đều dán cáo thị:
 
Cáo thị trọng thưởng tìm con gái thất lạc: Con gái Diêu Mộc Lan, mười tuổi, mặc áo trắng quần đỏ, mi thanh mày tú, tóc đen mượt kết thành bím, chân để tự nhiên, da dẻ mịn màng trắng trẻo, cao chừng ba thước, nói giọng Bắc Kinh. Sơ ý bị lạc trên đoạn đường giữa trạm dịch Tân Trung và phủ Hà Gián. Nếu như có vị hiền nhân quân tử nào thông báo tung tích của bé gái như thế, chúng tôi xin hậu tạ năm mươi lạng bạc, nếu như đưa cháu đến giao tận tay xin thù lao hai trăm lượng bạc. Trời xanh làm chứng, quyết không nuốt lời.
Hãng trà Hàng Châu Song Long Tam Nhãn Tỉnh, Ngõ Mã Đại nhân,  Bắc Kinh 
Địa chỉ hiện thời: Nhà trọ Trường Phát – Đức Châu
Diêu Tư An kính bạch
 
Xem xong cáo thị, Tăng Văn Phác không kìm được lòng nói to: “Đây chẳng phải ông bạn cũ Diêu Huệ Tài tìm con gái ông ta sao!”. Địa chỉ ở Bắc Kinh viết trên đó cũng trùng khớp, ông cũng từng nghe nói Diêu tiên sinh có một hãng bán trà và thuốc bắc ở Hàng Châu. Cái tên đặc biệt khác lạ của con gái ông ấy thì càng khó mà có sự trùng hợp. Tăng tiên sinh lên thuyền nói chuyện lại với vợ, ngoài ra còn nói thêm rằng vị tiểu thư đó thông minh như thế nào. Tăng thái thái nói rằng thật may mắn khi cả nhà họ Tăng được an bình trong suốt mấy ngày chịu đựng khổ sở ở gần Thiên Tân.
 
Do Tăng Văn Phác quê gốc ở Sơn Đông, Đức Châu lại thuộc địa hạt tỉnh Sơn Đông, nên ông nghĩ tới một phương pháp rất đơn giản để tìm Mộc Lan. Vả lại, ông làm quan ở Bắc Kinh, lúc cần kíp, có thể thể hiện chút thế lực với các quan địa phương. Ông biết Thanh Bang có một tổ chức bí mật trên sông Vận Lương, cứ hễ việc bắt cóc, lừa người gạt bán, trộm cắp thì đều dưới quyền của bọn chúng. Nếu như có người làm mất chiếc đồng hồ đeo tay, nếu kịp thời biết đường mà tìm thì chỉ trong vòng vài phút là vật sẽ về tay chủ cũ. Sự nghiêm mật của các tổ chức thổ phỉ vùng Sơn Đông được ví giống như các tiền trang ở Sơn Tây vậy. Ngoài ra, vào thời trước, các tiền trang có thể cho xe đi vận chuyển bạc, yên tâm đi xuyên qua bọn trộm cướp ngang ngược giữa rừng sâu núi thẳm, điều cần thiết đó là phải có được một tờ giấy thông hành an toàn có ký tên đóng ấn tín của một tổ chức bí mật tại Bắc Kinh. Trên đường đi, bọn trộm cướp nhìn thấy tờ thấy thông hành có ấn tín đó rồi thì tuyệt đối tôn trọng. Quy tắc của thổ phỉ là một lượng hàng hóa thì chỉ mất một lần phí thông hành, có thể nói là quy tắc này còn đáng tin cậy hơn cả chính phủ thời bấy giờ. Một lời hứa của họ đáng đáng giá ngàn vàng, đã nói sao là sẽ làm y như vậy.
 
Thế cho nên Mộc Lan nếu như thực sự bị bắt cóc bán đi thì nhất định sẽ được đưa lên mạn sông Vận Lương, chín phần là sẽ được đưa về Phương Nam bởi vì ở vùng đó các thiếu nữ được bán với giá rất cao. Mà Đức Châu lại là trung tâm chủ chốt của các hoạt động buôn bán như thế.
 
Vừa tới được Đức Châu, Tăng Văn Phác lập tức đến nhà trọ Trường Phát, hi vọng là có thể gặp lại ông bạn Diêu Tư An. Nhưng đến nơi thì chủ nhà trọ nói nhà họ Diêu đã đi cách đây sáu, bảy ngày rồi, nhưng mà ông vẫn để lại hai mươi hai lượng bạc và một tờ ngân phiếu ở tiền trang trong thành này, chỉ cần tìm được đứa trẻ là có thể đến tiền trang để lấy bạc. Nhà họ Diêu cũng để lại ở tiền trang đó một tấm ảnh chụp cả gia đình họ.
 
Sau đó, Tăng Văn Phác đến một tửu quán, bí mật đưa ấn tín quan hàm của mình cho chủ quán xem, nói rõ ràng việc ông cần làm. Không lâu sau, chủ quán dẫn người của bang hội đến gặp ông. Vừa dùng thế lực nhà quan, lại vừa dùng tiền đút lót, Tăng Văn Phác được người kia dẫn đến nhà của người cầm đầu bang hội của anh ta. Tăng Văn Phác đưa tên họ của bé gái bị thất lạc cần tìm, địa chỉ và những đặc điểm khác cũng được cung cấp đầy đủ cả.
 
Tăng Văn Phác nói: “Nếu như mấy ngày sau mà anh không đem được đứa bé về đây cho tôi, tôi có thể sẽ cho quan huyện bắt nhốt anh lại vì tội theo Nghĩa Hòa Đoàn”.
 
Người kia nói anh ta đã nhìn thấy tờ thông cáo đó rồi, nhưng vẫn chưa biết tung tích đứa trẻ đó thế nào, cũng chưa biết có phải là rơi vào tay người của anh ta không. Anh ta hứa sẽ cho điều tra ngay, một khi có tin tức sẽ lập tức bẩm báo. Tăng đại nhân cũng hứa sẽ trọng thưởng cho anh ta khi xong việc.
 
Hai ngày liên tiếp Tăng Văn Phác đều đến tửu quán nhưng không có tin tức gì. Tuy vậy không quyết tâm không buông xuôi.
Ngày thứ ba, có một tin tức vô cùng chính xác, nói là Mộc Lan đang ở gần Đức Châu.
 
Những việc còn lại không có gì phiền phức nữa. Tăng lão gia thưởng cho tên cầm đầu đến báo tin năm lạng bạc, hứa là khi dẫn được người đến thì sẽ cho thêm một trăm lạng nữa. Tên đó lưỡng lự một lát, nói rằng một chút việc chẳng tốn hao sức đó của mình mà được những năm lạng bạc, thực đúng là may phước. Nhưng mà không thể ngờ được, nếu như lại được thêm trăm lạng bạc nữa thì đúng là tạ ơn tạ địa, nhưng mà đó cũng chỉ là con số đã viết trên cáo thị mà thôi.
 
Mộc Lan im lặng lắng nghe, như thể nghe câu chuyện cổ tích mà chính cô được làm nhân vật chính vậy. Tăng thái thái nói sai một địa điểm nào đó thì Tăng lão gia sẽ chen vào sửa lại ngay. Cũng đúng lúc ấy, một phụ nữ có dáng người hơi đậm và cao to bước từ trên bờ lên thuyền, dắt theo một đứa trẻ chừng sáu tuổi. Chân của người thiếu phụ đó rất nhỏ, được bó rất gọn gàng ngay ngắn nhưng mà bà vẫn đứng được thẳng tắp. Người đó mặc chiếc áo choàng ngắn màu tím viền ngoài màu xanh lục, không mặc váy mà chỉ mặc quần màu xanh lục, bên trên có một hàng chữ A màu đen kết liền nhau. Dưới ống quần lộ ra một đôi giày cong cong màu đỏ, chỉ dài chừng ba tấc, thêu hoa rất đẹp, phía trên đôi giày là sợi xà cạp màu trắng thắt gọn gàng đôi ống quần.
 
Chính bởi vì chân của đại đa số phụ nữ, bất luận là chân to hay nhỏ thì dù ở góc độ nào cũng đều không thể nhìn thấy được. Cho nên đôi chân được bó nhỏ nhắn xinh xắn sẽ khiến người ta yêu thích. Cái đẹp của chân nhỏ, ngoài đường cong và nét hài hòa cân đối thì điều cốt yếu nằm ở chữ “ngay ngắn”, như thế, hai đôi chân nhỏ mới có thể cấu thành nên sự hoàn hảo trên cơ thể của người phụ nữ. Đôi chân nhỏ của người phụ nữ mới bước lên thuyền đó có thể nói là đạt đến độ thập toàn thập mỹ -- nhỏ nhắn, ngay ngắn, đều đặn, tròn trịa, mềm mại, nhọn phía đầu chân, rồi thon dần dần, đôi chân như thế quả không phải là cô gái bình thường nào cũng có được. Mộc Lan thoạt trông thấy đôi chân ấy khi ở cửa phía sau thuyền, cô vui sướng ngạc nhiên tới mức tim đập thình thịch, bởi vì gần đây cô rất thích chân nhỏ. Lúc đầu mẹ Mộc Lan cũng muốn bó chân nhỏ cho Mộc Lan nhưng mà cha cô sau khi đọc xong bài “Thiên túc luận” của Lương Khải Siêu thì vô cùng hứng thú đối với các thể loại học thuyết mới đang lưu hành ở Bắc Kinh lúc bấy giờ, ông kiên quyết phản đối việc bó chân cho Mộc Lan. Đây chính là sự kiện đầu tiên ảnh hưởng đến cuộc sống của người Trung Quốc sau những tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Mộc Lan nghe theo lời cha, nhưng trong lòng vẫn tiếc vì không có đôi chân nhỏ.
 
Quế Thư - người phụ nữ trẻ trung đó thuộc tuýp người xinh đẹp khiến người ta rung động. Đương nhiên, nét đẹp của dì không phải chỉ là ở đôi chân, mà cả dáng vẻ tư thái đều tôn lên vẻ đẹp của dì, giống như là một bức tượng tạc thật khéo lại được đặt trên một cái đế thật đẹp vậy. Đôi chân nhỏ ngay ngắn càng làm cho cơ thể của dì thêm duyên dáng bội phần, nhưng đồng thời vẫn giữ được sự chắc chắn tự nhiên, cho nên bất kỳ lúc nào, đường nét cơ thể của Quế Thư cũng không mất đi vẻ hoàn mỹ. Người phụ nữ đi giày cong đó đứng lên, gót dày khá cao nên chẳng khác nào người Tây dương đi dày cao gót vậy. 
 
Người phụ nữ đi giày cao gót, khi bước chân đi dáng người sẽ thay đổi, phần mông sẽ cong về phía sau, muốn đứng cho thẳng là điều không thể, hoặc muốn lười biếng uể oải như đi giày đế bệt cũng không thể làm được. Quế Thư có dáng người khá cao, đầu và cổ đều ưa nhìn, đường nét nửa thân người trên như hình giọt nước, phần ngực tròn đầy, đến phần dưới eo, lại tròn đầy đối xứng rồi mới thon nhỏ dần dần xuống dưới chân nơi chiếc ống quần bay nhẹ nhẹ theo cơn gió nơi đầu mũi giày --- nhìn thật giống như một chiếc bình hoa có tỷ lệ thật hài hòa, ngắm nhìn mấy ngày liền cũng không biết chán, cảm thấy đúng là thập toàn thập mỹ, tại sao lại có thể đẹp đến như thế, thật khó mà giải thích tường tận được. Một đôi chân to không bó sẽ phá hủy hoàn toàn sự hài hòa của những đường cong đó.
 
Ấn tượng đầu tiên về Quế Thư của Mộc Lan là như thế. Với thiên tính của một người con gái, Mộc Lan không kìm được mà hít một hơi thật sâu. Sau đó, bất kể là Quế Thư nói chuyện hay là mỉm cười, Mộc Lan mới phát hiện ra rằng miệng Quế Thư hơi rộng một chút, đây có thể là một khuyết điểm. Giọng nói của Quế Thư khá vang và rõ ràng.
 
Dì Quế là vợ lẽ của Tăng Văn Phác. Vốn từ một a hoàn tên là Quế Thư được đưa lên làm vợ lẽ, bây giờ trẻ con trong nhà gọi Quế Thư là dì. Có đứa thì vẫn gọi cô theo tên cũ là Quế Thư, cô đều không để tâm.
 
Người làm trong nhà đương nhiên gọi cô ấy là dì, hoặc là dì Tiền vì cô vốn mang họ Tiền. Cô vốn đi theo hầu Tăng thái thái khi bà đi lấy chồng. Tăng thái thái sau khi sinh hai cậu con trai thì thường mắc bệnh, Quế Thư vừa hiền thục lại nghe lời, vậy là người hầu được lên làm thiếp, đây cũng là một chuyện theo lẽ tự nhiên. Về cơ bản quan hệ giữa Diêu thái thái và Quế Thư không có gì thay đổi, bởi vì trong mắt của thái thái, Quế Thư cũng vẫn chỉ là a hoàn của bà. Lúc Quế Thư hai mươi mốt tuổi, Tăng Văn Phác bị bệnh trong lúc thái thái lại bị bệnh dạ dày, thế là đành phải để Quế Thư chăm sóc lão gia, hầu ngủ, rồi tắm gội thay quần áo. Hai mươi mốt tuổi, Quế Thư cảm thấy xấu hổ khi ở gần đàn ông như thế bởi lẽ sau này còn phải hầu hạ cho người đàn ông của riêng mình. Giới hạn quan hệ giữa đàn ông đàn bà nhất định phải giữ cho nghiêm ngặt. Tăng thái thái nghĩ ra một cách, đó là đợi khi chồng khỏi bệnh, sẽ cưới Quế Thư làm vợ lẽ. Như thế, Quế Thư chăm sóc chồng trong lúc bệnh tật mới được thuận lợi, đương nhiên là chồng bà cũng đồng ý. Sau khi Tăng Văn Phác khỏi bệnh, tiệc rượu được chuẩn bị, mời bà con họ hàng, thắp nến đỏ trên ban thờ ngoài phòng khách làm lễ nạp Quế Thư làm bà hai, Tăng thái thái vô cùng hài lòng.
 
Bây giờ Quế Thư là người bầu bạn và là trợ thủ đắc lực của Tăng thái thái, lại cũng là vợ lẽ của chồng rồi. Phụ nữ đúng là có thể đóng rất nhiều vai trò khác nhau.
 
Người vợ giống những bông hoa tươi, bình hoa có thể càng tôn lên vẻ đẹp cao quý của hoa, lại cũng có thể vì bình hoa mà nét cao quý tươi đẹp của hoa bị hủy hoại đi cả. Cũng nhờ đời sống đầy đủ sung túc không phải lo nghĩ, lại cũng là người có giáo dưỡng, hiểu rõ địa vị thân phận của mình, khiến cho Tăng thái thái toát lên vẻ cao quý tôn nghiêm. Bà có thể đọc sách viết chữ còn Quế Thư thì không biết, hơn nữa sự khác biệt giữa thái thái nô thiếp cũng được quyết định dựa trên nhân phẩm. Thái thái có thể mặc váy còn thiếp thì chỉ được mặc quần. Quế Thư là người thông minh hiểu chuyện, tuyệt không dám lạm quyền hoặc có ý đồ đoạt vị trí Tăng thái thái, cũng không hề mất đi một chút nào lòng cung kính dành cho Thái thái. Vốn chỉ là một a hoàn, bây giờ Quế Thư cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn, tuyệt không mơ hão đến chuyện thay đổi thân phận nữa.
 
Mọi việc trong nhà họ Tăng đều răm rắp theo đúng quy tắc, bởi vì tất cả đều chính đại quang minh. Sự phiền phức của việc nạp thiếp không hề do con người mà là do cách đánh giá của xã hội; Không phải do cách nghĩ của người chồng đối với việc đó mà là do cách nghĩ của vợ ông ta và do cách nghĩ của chính người làm thiếp, và điều quan trọng nhất là cách đánh giá của xã hội về cả ba người họ.
 
Ăn cơm nhà người không phải ăn xuông, mà phải có tác dụng, tức là cảm thấy bản thân mình có thân phận, Quế Thư là như thế, ở rất nhiều phương diện, cô đều thấy mình rất có ích đối với nhà họ Tăng.
 
Quế Thư sinh được hai con gái, Ái Liên năm nay lên sáu tuổi, còn một đứa nữa mới được sáu tháng. Làm mẹ cũng như làm vợ, Quế Thư vừa bận việc nhà lại vừa bận chăm con. Nhưng mà vẫn có những khác biệt so với Thái thái, đó là: Khi ăn cơm, dì phải đứng, hầu hạ Thái thái và cả nhà ăn cơm, con của dì cũng ngồi cùng ăn. Đó cũng chưa có gì là quá khác biệt, bởi vì trong nhà quan lại trước đây, không nói vợ lẽ, ngay cả con dâu trong các nhà quan dó cũng phải tuân thủ quy tắc đứng hầu chồng trong lúc ăn cơm; đó mới là tôn trọng hiếu đạo. Nhưng mà đối với Quế Thư mà nói, quy tắc này cũng không quá khắt khe. Có lúc sau khi người khác ăn xong, dì cũng thường ngồi xuống ăn.Cũng có khi có người ở đứng hầu ở bên, không cần dì hầu hạ nữa, thái thái cũng bảo gì ngồi xuống cùng ăn. Lúc ấy dì kéo cái ghế, ngồi ghé xuống phía sau con gái Ái Liên, trông cho con ăn cơm. Dì làm như thế, thứ nhất, là thể hiện rằng dì hiểu quy tắc; Thứ hai, chăm sóc bọn trẻ con; Thứ ba là thể hiện mình không phải là kẻ tham ăn. Khi đó, Thái thái thường nói: “Dì cũng phải ăn đi chứ, ăn xong cơm vẫn còn việc khác để làm đấy”. Như thế thì Quế Thư mới ăn một chút, lại vẫn chăm cho bọn trẻ ăn uống, trông cho bọn chúng ăn ngon mới yên tâm. Đợi đến khi hầu như cả nhà ăn xong rồi, dì mới bắt đầu, ăn những món còn lại trên bàn. Có thể từ nhỏ làm a hoàn dì đã phải tôn trọng quy tắc này nên đã trở thành thói quen; Tuy nhiên phụ nữ đều biết khi ăn cơm phải kiềm chế bản thân, phép tắc đầu tiên là phải giữ được thái độ thanh cao, đồng thời cũng phải giữ được dáng người thon thả; Hơn thế khi bọn trẻ con ăn cơm, người làm mẹ rất ít khi bắt con phải ăn nhanh. Người Trung Quốc có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Ăn ở bụng con, no trong lòng mẹ”.
 
Khi Quế Thư từ đầu thuyền đi xuyên qua hành lang chưa rộng chưa đầy hai thước đến khoang lớn giữa thuyền, Mộc Lan luôn ngắm nhìn dì. Thuyền của nhà họ Tăng được kết cấu như sau: Trên thuyền chỉ có một gian có thể chia làm hai bởi một tấm vách ngăn, sâu chừng mười thước, chiều ngang rộng chừng bốn, năm thước, ngăn cách với khoang thuyền. Cửa được mở ra một hành lang hẹp bên cạnh. Quế Thư vừa đi vừa cất cao giọng: “Diêu tiểu thư đã đến rồi chăng?
 
Tăng thái thái nói: “Vào gặp cô ấy đi, đến được độ nửa giờ rồi”.
 
Mộc Lan chú ý đến Quế Thư khi dì đi qua hành lang, Mộc Lan hơi cúi đầu. Quế Thư đi vào khoang thuyền, trên mặt đầy vẻ quan tâm và sự hiếu kỳ.
 
Đây là Diêu tiểu thư ư? Cô bé thật là xinh đẹp. Chả trách mà lão gia sôi sục như phát điên để tìm cô, chắc phải ba ngày ba đêm không ngủ”.
 
Quế Thư bước tới gần, đưa đôi bàn tay trắng ngần mũm mĩm đặt lên vai Mộc Lan rồi nói: “Cô đến rồi, bây giờ ở lại nhà cùng chúng tôi. Muốn dùng thứ gì cứ việc nói với tôi”.
 
Thái thái nói: “Mộc Lan vẫn chưa biết dì là ai đâu. Mộc Lan, đấy là dì Tiền
 
 “Tiểu thư, cứ gọi tôi là Quế Thư nhé”.
 
Tăng thái thái nói: “Như thế cũng được. Nhưng mà dì cũng đừng gọi con bé là Diêu tiểu thư, cứ gọi là Mộc Lan được rồi”.
 
Quế Thư nói: “Mộc Lan, con vẫn còn một em gái nhỏ, nó tên là Ái Liên”. Nói rồi Quế Thư quay người lại tìm Ái Liên, lúc đó Ái Liên đang nép bên ngoài cửa nghe lén. Ái Liên rất xấu hổ nên chất định không chịu vào, Quế Thư phải nài ép lôi kéo mãi mới kéo được nó đến bên cạnh Mộc Lan rồi nói với Ái Liên: “Đây là chị Mộc Lan”. Cô bé sáu tuổi mỉm cười, bẽn lẽn nép vào lòng mẹ nó.
 
Bấy giờ Quế Thư nhìn Mộc Lan thật kỹ rồi mở một cái bọc ra. Tăng phu nhân hỏi: “Dì tìm được đồ nào thích hợp không?”. Vì trong nhà họ Tăng không có đứa trẻ nào lớn chừng tuổi Mộc Lan nên vừa rồi bà phải bảo Quế Thư đi đến cửa hàng để xem xem có thể tìm được quần áo gì đó cho Mộc Lan không.
 
Quế Thư nói: “Tôi đã đến mấy cửa hàng rồi”, vừa nói vừa giở gói tiền. “Vải quần áo đều không tốt, cũng không dễ tìm được bộ vừa người. Bộ này coi như là tốt nhất rồi”. Đó là một bộ quần áo bằng vải bố của các cô gái dưới quê, màu xanh nhạt, to hơn cỡ người Mộc Lan chừng hai số, Mộc Lan mặc vào trông rất buồn cười.
 
Tăng phu nhân nói: “Sao không thử lấy quần áo cũ của Tôn Á xem? Tôn Á và Mộc Lan cao ngang nhau, con trai con gái tầm tuổi này cũng không lớn hơn nhau là bao nhiêu đâu!
 
Thế là Quế Thư đi tìm một bộ quần áo cũ của Tôn Á, được may bằng thứ lụa hảo hạng, đã giặt qua mấy lần, bây giờ đã mềm và nặng tay hơn, vải hồ màu trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, khuyên trước khuyên sau mãi Mộc Lan mới chịu thử mặc. Đó là bởi vì đám con trai vẫn đang đứng xem bên ngoài khiến Mộc Lan cảm thấy xấu hổ vô cùng. Độ dài thì có thể coi là tạm được, chỉ là vóc dáng của Mộc Lan xem chừng quá nhỏ so với bộ quần áo đó, phần cổ rộng thừa ra tới cả tấc. Bộ dạng Mộc Lan quá khôi hài, đám con trai bên ngoài phá lên cười khiến Mộc Lan ngượng chín cả người.
 
Lúc đó thức ăn đã được bày lên bàn, chuẩn bị đến giờ ăn cơm. Mộc Lan ngồi bên cạnh Tăng Phu Nhân.
 
Buổi chiều, Tăng Văn Phác đưa Mộc Lan đến tiền trang, bảo cho mọi người là đã tìm thấy cô bé rồi. Tiền trang muốn trả lại tiền, nhưng Tăng Văn Phác nói không cần vội, đợi khi nào có thể liên lạc được với cha của Mộc Lan thì hãy tính sau. Ông mượn giấy bút ở tiền trang viết một bức thư, lại bảo Mộc Lan tự tay viết mấy câu lên thư. Trong thư nói cho cha của Mộc Lan là hiện giờ cô được ở nhà họ Tăng tại Thái An, đợi cha đến đón về, mọi việc khác xin cứ yên tâm. Các nhà trọ luôn có người đưa thư đi lại các nơi, cho nên phong thư đó được họ đưa đến chi nhánh tiền trang ở Hàng Châu rồi sau đó sẽ được chuyển đến hãng trà của nhà họ Diêu ở Hàng Châu.
 
Ngày hôm sau, nhà họ Tăng nhổ neo thuyền, tiếp tục lên đường về quê. Mộc Lan có một đám con trai và Ái Liên làm bạn, Quế Thư cùng Tăng phu nhân và mấy bậc trưởng bối đều rất quan tâm chăm sóc và yêu thương nên Mộc Lan cảm thấy vui vẻ hơn nhiều. Tuy rằng Quế Thư bận rất nhiều việc, vừa phải chăm sóc đứa bé mới sinh của dì nhưng giữa trời nóng tháng bảy, Quế Thư vẫn mua một khúc lụa Sơn Đông, chỉ sau hai hôm cắt cắt khâu khâu, dì đã may xong cho Mộc Lan một bộ quần áo mới. 
 
Dưới sự yêu cầu của mọi người, Mộc Lan mới kể cho họ chuyện cô đã sống với Nghĩa Hòa Đoàn ra sao trong suốt mấy ngày qua, Tôn Á cứ tròn mắt mà nghe Mộc Lan kể, cậu cảm thấy Mộc Lan thật là dũng cảm.
 
Tìm được Mộc Lan rồi, vui mừng cũng lắng xuống, Tăng Văn Phác lại trở về vẻ nghiêm túc vốn có của ông. Mộc Lan cảm thấy sợ ông trong khi ở nhà cô chưa từng sợ cha mình.
 

Chú giải


(1) Theo tiếng phổ thông Trung Quốc, hai chữ “nóng chết” đọc theo phiên âm sẽ là “re si”.

Tác giả bài viết: 2zhaowei.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn

 

LINKS-KẾT NỐI

TRIỆU VY & MẠNG XÃ HỘI

heart

2zhaowei on 

2zhaowei on Facebook

 2zhaowei on Dailymotion 

 

TIN NỔI BẬT